1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đệ nhất khảm tam khí” Hà thành

Mỗi khi các vị lãnh đạo Việt Nam đi công tác nước ngoài, đón tiếp các nguyên thủ, phái đoàn quốc tế, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ... thường đặt những sản phẩm lưu niệm đặc biệt mang đậm bản sắc Việt từ người nghệ nhân có đôi bàn tay vàng - Nguyễn Ngọc Trọng.

“Đệ nhất khảm tam khí” Hà thành - 1
Những đĩa tranh đĩa khảm đồng thường được đặt làm quà lưu niệm.

 

Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng

 

Khảm tam khí là nghệ thuật phối kết 3 loại kim loại quý trên đồ đồng. Đầu tiên vẽ mẫu phong cảnh, nhân vật, họa tiết trên sản phẩm đồng đúc rồi đục sâu các  mẫu đó. Tiếp theo là gắn vàng, bạc hoặc kim loại quý khác vào những mẫu đã đục làm thành tác phẩm hoàn thiện như đã định...

 

Khảm tam khí rất công phu, tốn rất nhiều thời gian, công sức, có khi hàng năm mới làm xong được một sản phẩm, nên khi thành phẩm, giá trị thường rất cao. Đồ tam khí do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng chế tác rất đa dạng, phong phú và có nét riêng không thể lẫn.

 

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng là một trong rất ít người khảm tam khí ở Hà Nội. Dòng tộc Nguyễn Ngọc (gốc Đại Bái - Bắc Ninh) nổi tiếng lâu đời và độc quyền về đồ khảm tam khí nên con cháu ra Hà Nội làm ăn, sinh sống đã mang theo và phát huy nghề gia truyền. Lý do mà nghệ nhân Ngọc Trọng thường được “chọn mặt, gửi vàng” làm đồ quốc bảo là bởi các sản phẩm do ông chế tác cực kỳ tinh xảo, đẹp mắt và độc đáo. Hơn 60 năm trong nghề, uy tín của nghệ nhân được rất nhiều người biết. Mỗi dịp lễ tết, cửa hàng và nhà riêng của gia đình ông (số 5 Cửa Nam - Hà Nội) lại nườm nượp khách...

 

Còn mỗi khi các vị lãnh đạo Việt Nam đi công tác nước ngoài, hoặc đón tiếp các nguyên thủ, phái đoàn quốc tế đến Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ... thường đặt làm những sản phẩm lưu niệm đặc biệt, do chính nghệ nhân chế tác. Những sản phẩm lưu niệm đặc biệt đó thường là tranh phong cảnh tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Khuê Văn Các, thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài, lễ hội cổ truyền... chạm, khảm trên đĩa bạc, đĩa đồng, đường kính 30 – 45 cm. Hoặc là mặt  trống đồng giả cổ, có khi lại là bộ đồ pha cà phê với ấm, tách bằng đồng tinh xảo -  sản phẩm làm hoàn toàn thủ công! 

 

Mỗi món đồ thường được ông ấp ủ ý tưởng, kỳ công làm, có khi phải vài tháng mới xong. Đồ thờ tự như lư hương, đỉnh trầm, chân đèn, cây nến, đôi hạc, bát bửu, câu đối, tranh... khảm tam khí do nghệ nhân chế tác, khách hàng chỉ nhìn là chọn mua ngay.

 

Người có điều kiện  thường đặt những chiếc mâm bồng, khay, đũa, bút, ấm chén chạm bạc, bịt bạc, nạm các kim loại quý... Nhà khá giả rước đôi nghê, thửa chậu đồng cỡ đại để thả sen cảnh trước cửa ra vào, hoặc bày ở mảnh sân trước nhà, vừa trang trí, vừa là cách bài trí phong thủy. Khách nước ngoài lại rất chuộng những hộp đồ trang sức, bộ đồ pha trà, cà phê, tranh chạm đồng mạ bạc về phong cảnh, đời sống Việt Nam...

 

Chinh phục phái đẹp

 

Đồ chạm bạc trang sức của dòng họ Nguyễn Ngọc tiếng tăm chẳng kém đồ tam khí. Ở đây thường có những món đồ trang sức “độc”, hoặc cùng kiểu dáng, nhưng cách chạm khảm, hoa văn hoặc phối kết có sắc thái riêng không hề giống nhau.

 

Những mệnh phụ phu nhân, thiếu nữ Hà thành muốn thửa riêng đôi hoa tai, nhẫn, vòng, kiềng trơn hoặc chạm nổi, khắc chìm hình rồng - phượng gia bảo thường đến đây chọn. Hoa tai, mặt dây chuyền do nghệ nhân chế tác đẹp từ nét chạm khảm họa tiết, hoa văn đến chất liệu trang trí. Một đôi hoa tai  giá 280.000 đồng, mỗi chiếc vòng cao hơn là 1,3 triệu đồng, chủ yếu là khảm xà cừ. Đắt hơn nữa có hoa tai cửu khổng (một loại sinh vật biển có 9 mắt, giống con sò, màu xanh biếc, ánh tuyệt đẹp, đậm sắc hơn màu xà cừ của con trai), hoặc hoa tai bạc khảm ngà voi, sừng, ngọc trai... Mỗi mẫu thường chỉ có 5 cặp, nhưng màu sắc và cách bố trí hoạ tiết, chất liệu trang trí hoàn toàn khác nhau.

 
“Đệ nhất khảm tam khí” Hà thành - 2
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng 
 

Hàng của nghệ nhân toàn làm bằng tay. Khi có nhiều đơn hàng, các con cháu nghệ nhân phụ trách khâu đúc hình hài, còn các hoạ tiết tinh xảo do đích thân nghệ nhân chế tác. Ví như làm một bức tranh đĩa, những nét đục, phá thô thì con cháu nghệ nhân làm. Còn tới những hoạ tiết, trang trí tỉ mỉ là nghệ nhân phải... ra tay!

 

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã phát huy được những tinh tuý nghề nghiệp của tổ tiên, nâng nghệ thuật khảm tam khí, ngũ khí Việt Nam lên một tầm cao mới, đặc sắc hơn, phong phú hơn với chất liệu tre, trúc, đá, sơn mài... 60 năm lao động, sáng tạo không ngừng, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã nhận được 7 huy chương vàng, nhiều bằng khen, giấy khen của nhà nước và các tổ chức quốc tế trao tặng vì công lao trong lĩnh vực chạm bạc và khảm tam khí.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng kể: Làm hàng xuất khẩu không dễ vì qua cửa khẩu phải có cam kết, kiểm dịch. Ngoài đảm bảo khâu chế tác, thì tỉ lệ bạc nõn đăng ký là 98% thì phải đúng 98%, chứ 97 - 96% thì... đừng hòng qua cửa khẩu. Nếu gắn với bất kỳ vật liệu khác như các loại sừng, xà cừ... phải qua khâu kiểm nghiệm không có dịch bệnh, không ô nhiễm, người đeo không bị tác dụng phụ. Ngay con cửu khổng lấy ở biển lên, cẩn trong sản phẩm cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Và sản phẩm của dòng họ Nguyễn Ngọc đều đáp ứng được những tiêu chuẩn ngặt nghèo này. Đồ chạm bạc, tam khí của dòng tộc Nguyễn Ngọc trở thành mặt hàng quen thuộc được phép bán ở Mỹ, Italia, Thái Lan và nhiều nước khác.

 

Những sản phẩm đậm vẻ đẹp văn hóa dân tộc của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã làm vẻ vang nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Ông rất tự hào bởi 20 năm qua, các mẫu hàng của ông luôn có mặt trong các kỳ hội chợ, triển lãm thủ công, mỹ nghệ trong nước và quốc tế. Tại Hội chợ toàn quốc 1986, ông giành được 3 huy chương vàng cho bộ cà phê chạm bạc - quai sừng, khay sơn mài; bộ ấm trà nạm bạc trên gốm sứ men cổ; bộ nậm rượu còn nguyên nốt búa.

 

Năm 1994, tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm đỉnh đồng khảm tam khí,  tượng Phật Bà khảm tam khí, tranh chạm đồng 4 tố nữ chơi nhạc đều đoạt huy chương vàng. Tại Tuần lễ Văn hóa Hà Nội - TP Toulouse (Pháp) 2007, tác phẩm cồng chiêng - đường kính 0,80m treo trên giá gỗ cao 1,60x1,30m làm từ đồng thau và mặt trống đồng Ngọc Lũ của nghệ nhân được bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội gióng lên trong lễ khai mạc.

 

Theo Minh Hằng - Hà Dương

 Gia đình & Xã hội