1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Đề nghị xả nước hồ thủy điện chống hạn cho hạ du

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Công ty Thủy điện Khe Bố xả nước hồ thủy điện để chống hạn cho hàng nghìn ha sản xuất vụ Hè Thu đang “chết khát”.

Nhiều diện tích ngô bị chết héo hoặc giảm năng suất do nắng hạn.
Nhiều diện tích ngô bị chết héo hoặc giảm năng suất do nắng hạn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN Nghệ An, từ đầu năm tới nay, tình hình thời tiết hết sức bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Lượng mưa chỉ đạt 114,3mm, thấp hơn trung bình nhiều năm (164,9mm) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 42,8mm. Mực nước các hồ đập giảm nhanh, nhiều hồ chứa cạn nước, mực nước trên sông Lam xuống thấp. Mực nước trước công Nam Đàn nhiều ngày ở mức 0,3m-0,5m/thiết kế 1,15m. Nắng nóng kéo dài, nhất là trong tháng 4-5, phổ biết từ 38-42 độ C.

Trong tuần tiểu mãn vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có mưa. Hạn hán, nắng nóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Hiện có gần 11.000 ha cây trồng vụ xuân bị hạn, chủ yếu là cây hoa màu. Dự báo trong thời gian tới nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu gặp nhiều khó khăn, nguy cơ xẩy ra hạn trên diện rộng.

Huyện Nghi Lộc có 5.000ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng hiện tại mới chỉ có thể cung cấp nước sản xuất cho 3.000ha. Địa phương này đã phải điều chỉnh giảm 2.000ha diện tích sản xuất Hè Thu vì thiếu nước. Mức nước ở cống Nghi Quang (Nghi Lộc) xuống thấp, nguy cơ xâm nhập mặn đã hiện hữu trước mắt. Ngoài việc đề nghị tỉnh tăng nguồn nước cho bara Nam Đàn để cứu hạn cho đồng ruộng, huyện Nghi Lộc cũng đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nhiều diện tích ngô bị chết héo hoặc giảm năng suất do nắng hạn.
Nghệ An đang đối mặt với một vụ sản xuất Hè Thu khó khăn khi nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng cận kề.

Tương tự, huyện Yên Thành cũng có 1.000ha diện tích lúa Hè Thu chưa thể cấy được do chưa có nước.

Ông Bạch Hưng Tuyên - Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam cho biết, hiện tại, hầu hết hệ thống sông ngòi trên địa bàn Nghệ An đã cạn nước. Ngành thủy lợi phải nối dài ống hút cho các trạm bơm nhưng nhưng do mức nước quá thấp nên không đủ nước cung cấp cho sản xuất Hè Thu. Tại Hưng Nguyên, nhiều tuyến kênh không có nước.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh nạo vét sông ngòi, kênh mương, hệ thống thủy lợi, lắp đặt thêm 10 trạm bơm mới để cung cấp nước sản xuất cho các địa phương, đề nghị UBND tỉnh xem xét phương án ngăn các khúc sông để nâng mực nước bơm cho từng vùng hạn và xả đập thủy điện để cứu hạn cho vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, đề nghị các công ty thủy điện xả đập lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các vùng hạ du”, ông Bạch Hưng Tuyên kiến nghị.

Nhiều diện tích ngô bị chết héo hoặc giảm năng suất do nắng hạn.
Hàng chục nghìn hecta lúa Hè Thu chưa có nước để sản xuất. Trong khi đó, số diện tích đã được gieo cấy cũng đang bị hạn hán đe dọa.

Phương án ngăn sông nâng mực nước để các trạm bơm có thể bơm nước phục vụ sản xuất trên cánh đồng không được ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng ý. Việc ngăn sông có thể giải quyết được một phần tình trạng hạn hán cho một số vùng nhưng sẽ ảnh hưởng tới giao thông đường thủy và dòng chảy của các con sông. Tuy nhiên, việc chống hạn, cứu cây trồng được tỉnh này xác định là nhiệm vụ cấp thiết, phải được ưu tiên đầu tiên.

Bên cạnh yêu cầu ngành thủy lợi đẩy mạnh các hoạt động chống hạn, kêu gọi người dân sử dụng nước hợp lý và yêu cầu ngành điện lực ưu tiện điện cho các máy bơm, ông Nguyễn Xuân Đường cũng đề nghị Sở Công thương chỉ đạo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Công ty Thủy điện Khe Bố ưu tiên xả nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, nắng nóng trên diện rộng tiếp tục kéo dài trong 3-4 ngày tới. Sau đó sẽ xuất hiện một đợt nắng nóng mới. Nhiệt độ đo được trong các lều khỉ tượng luôn ở mức 37-39 độ, đặc biệt có một số nơi như Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa, Tương Dương, Tây Hiếu, nhiệt độ cao nhất có khi lên tới 40-41 độ. Tình trạng hạn hán, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp vì thế cũng gay gắt hơn.

Hoàng Lam