Đề nghị vẫn lấy phiếu tín nhiệm ông Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng
(Dân trí) - Theo kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại các đoàn chiều nay, nhiều ý kiến vẫn đề xuất đưa nguyên Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm.
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đa số các đại biểu đều đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm là nhiệm vụ cơ bản của Đảng, nhà nước, được chuẩn bị nghiêm túc.
Đại biểu có ý kiến về một số nội dung như danh sách người được lấy phiếu, căn cứ lấy phiếu, thời điểm lấy phiếu, phương thức công bố kết quả. Tiếp thu các ý kiến, UB Thường vụ QH trước hết nhận định, 2 năm qua tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại diễn biến khó khăn phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu. Đây là khó khăn khách quan nói chung nên UB Thường vụ lưu ý các đại biểu cần đánh giá khách quan, cẩn trọng.
Về vấn đề danh sách 47 người được lấy phiếu đưa ra sáng nay, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ, tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tân Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn.
“Ngoài ra, khi bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, các cơ quan chức năng cũng đã xem xét cả việc thực hiện nhiệm vụ Tổng kiểm toán trước đó của ông Dũng” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với các ý kiến về căn cứ đánh giá tín nhiệm, một số đại biểu cho rằng báo cáo công tác của những người được đưa ra lấy phiếu cần có hình thức và hướng dẫn tiêu chí cụ thể. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nội dung này đã có Nghị quyết hướng dẫn và cả 47 người được đưa ra lấy phiếu lần này đã thực hiện đúng, đầy đủ báo cáo theo quy định.
Tuy nhiên, UB Thường vụ cũng xác nhận, do cách thể hiện của mỗi người khác nhau nên nội dung, liều lượng thông tin trong mỗi bản báo cáo có khác nhau.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Đại biểu có thể căn cứ vào những thông tin được nêu trong báo cáo công tác, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, báo cáo của Chủ tịch nước, báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri… Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đánh giá công tâm, khách quan của chính mỗi đại biểu”.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, theo quy định, đại biểu có quyền yêu cầu người lấy phiếu giải trình thêm các nội dung đại biểu quan tâm. Nhưng đến thời điểm này, chỉ có một đại biểu nêu yêu cầu đối với một người trong số 47 chức danh được đưa ra lấy phiếu lần này. Người được yêu cầu cũng đã thực hiện báo cáo bổ sung đúng như quy định.
Nội dung về thời điểm lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội khái quát, có đại biểu đặt vấn đề thực hiện việc lấy phiếu sau phiên chất vấn. Nhận định đề xuất này là có căn cứ nhưng ông Hùng cũng phân tích thêm, phiên chất vấn trong kỳ họp chỉ diễn ra trong 2,5 ngày với 5 Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời.
Hơn nữa, chất vấn là hoạt động thường xuyên được tiến hành tại Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội cũng như các phiên điều trần tại các UB của Quốc hội. Qua các phiên chất vấn cũng như các phiên giải trình UB Thường vụ đã tiến hành, có một số Bộ trưởng, trưởng ngành được đăng đàn, một số khác lại chưa có cơ hội trả lời chất vấn.
Vậy nên, để có đánh giá công bằng đối với tất cả các chức danh được đưa ra lấy phiếu, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, không cần thiết chờ sau phiên chất vấn mới tiến hành lấy phiếu.
Cũng có ý kiến lập luận việc lấy phiếu đáng ra phải thực hiện trước khi làm công tác nhân sự. Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, khi bàn công tác nhân sự, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị công phu, theo quy trình. Khi Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhân sự giữ chức vụ cụ thể cũng đã là một lần đánh giá hoạt động, công tác ở vị trí công việc đảm nhiệm trước đó của người này.
Chốt lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tại thời điểm này là phù hợp.
Theo chương trình, Quốc hội cũng đã dành cả buổi sáng và 2 giờ làm việc đầu buổi chiều để nghe báo cáo của Chủ tịch Quốc hội và thảo luận tại đoàn. Ông Hùng đánh giá, đó là khoảng thời gian khá dài, đủ để đại biểu nghiên cứu, cân nhắc trước khi bỏ phiếu.
Thống nhất với các nội dung giải trình này và thông qua Ban Kiểm phiếu gồm 29 đại biểu Quốc hội, Quốc hội tiến hành việc bỏ phiếu ít phút trước.
Trưởng Ban Kiểm phiếu Đỗ Hữu Chiến cho biết, phiếu tín nhiệm được chuẩn bị làm 10 loại phiếu theo từng chức vụ hoặc nhóm chức vụ. Mỗi phiếu được in trên giấy có màu khác nhau, có tên các chức danh kèm theo các ô đề mức độ “tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp”. Cụ thể, 10 loại phiếu bao gồm: Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Các Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên các UB của UB Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Các Phó Chủ tướng Chính phủ; Các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao. |
P.Thảo