1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đề nghị rút giấy phép 33 cơ sở xăng dầu

(Dân trí) - Bộ KHCN vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh của 33 cơ sở vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc. Nếu so với đợt kiểm tra hồi năm 2003 thì mức độ sai phạm tinh vi lần này tăng đáng kể.

Có những thủ đoạn cơ quan chức năng “bó tay”!

Theo thống kê của thanh tra Bộ KHCN, 33 cơ sở vi phạm được phát hiện nằm rải rác trên 13 tỉnh đó là: Đăk Lắk, Đăk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, TPHCM, Hưng Yên, Long An, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Dương, Lạng Sơn. Đáng chú ý, có tới 23/33 cơ sở vi phạm là doanh nghiệp tư nhân.

Hành vi vi phạm của các cơ sở ở từng địa phương thường có những biểu hiện giống nhau theo cục bộ. Ở Nghệ An, thủ đoạn gian lận của các cơ sở kinh doanh phổ biến là lắp thêm bảng mạch điện tử song song với mạch chính, sử dụng công tắc chuyển mạch điều chỉnh sai số phương tiện đo hoặc thay đổi chức năng IC gây sai số.

Tại tỉnh Gia Lai, các chủ kinh doanh thường gắn thêm bảng mạch điện tử làm sai số phương tiện đo từ 2 - 9,3% tuỳ nơi. Tại Đăk Lăk là tình trạng sử dụng IC với mã số bí mật điều chỉnh thông qua bàn phím cột bơm hoặc tắt bật điện, gây sai số tới 7%. Ở Bình Dương thì có hành vi thay đổi IC trong bộ vi xử lý của cột đo gây sai số…

Riêng tỉnh Lạng Sơn, tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu, thuộc doanh nghiệp tư nhân Lâm Hùng, thị trấn Đồng Mỏ huyện Chi Lăng, lực lượng kiểm tra đã phát hiện được cơ sở này sử dụng cột đo xăng dầu không đạt yêu cầu về đo lường, có sai số tận 18%!

Đối với trường hợp trên, thanh tra Bộ KHCN cho biết, do hành vi gian lận quá tinh vi nên cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.

Trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, thanh tra Bộ KHCN đã xử phạt hành chính, trong đó 32/33 cơ sở bị phạt tiền từ 13 - 20 triệu đồng (cơ sở còn lại bị phạt 5 triệu đồng), đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, thu hồi giấy kiểm định, buộc kiểm định lại.

Thanh tra Bộ KHCN cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh các cơ sở vi phạm trên thẩm quyền.

Sẽ kéo dài thời gian thanh kiểm tra

Đây không phải là lần đầu tiên, thanh tra Bộ KHCN phối hợp với các lực lượng chức năng “ra quân” kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Năm 2003, một đợt kiểm tra hùng hậu tại 4.500 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên 61 tỉnh, thành được tiến hành.

Lúc đó, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.300/4.500 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ gần 30%). Đây là một tỷ lệ vi phạm lớn tuy nhiên, số cơ sở vi phạm được coi là tinh vi (gian lận bằng hệ thống điện tử) chỉ có 6 cơ sở (chiếm tỷ lệ 0,05%). Các sai phạm còn lại chủ yếu là sử dụng giấy chứng nhận hết hạn, không kiểm định…

Với đợt kiểm tra lần này, con số 33/420 cơ sở kiểm tra phát hiện vi phạm cho thấy hành vi gian lận đều rất tinh vi như: gắn thêm bảng mạch điện tử làm sai số phương tiện đo, thay đổi IC trong bộ vi xử lý của cột đo gây sai số, sử dụng IC với mã số bí mật điều chỉnh…

Theo Chánh thanh tra Bộ KHCN, để phát huy hiệu quả trong đợt kiểm tra, cơ quan chức năng không kiểm tra dàn trải như lần trước mà chỉ tập trung vào những cơ sở kinh doanh bị nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm, đã được thẩm tra, trinh sát trước và tiến hành kiểm tra đột xuất, không báo trước.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra vẫn thường xuyên gặp trở ngại do các cửa hàng vi phạm đều có thái độ chống đối cũng như thủ đoạn gian lận quá tinh vi như: chủ cơ sở đặt công tắc điều chỉnh xăng dầu trong phòng ngủ, ở những nơi mà lực lượng chức năng khó có thể thâm nhập được vào…

Xăng dầu là loại hàng hoá đặc biệt luôn có tác động lớn đối với cuộc sống của người dân, do đó hành vi gian lận của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã gây bức xúc trong dư luận. Thực tế, con số 33 cơ sở xăng dầu bị phát hiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi đến thời điểm này hiện trên toàn quốc có trên dưới 10.000 cơ sở.

Đó cũng chính là lý do vì sao các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu, mà không kết thúc vào cuối tháng 9 này theo như dự kiến ban đầu.

Danh sách 33 cơ sở kinh doanh xăng dầu gian lận bị phát hiện

Đắk Lắk: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bảo Ngọc Hướng (xã Eaktur, huyện Cưkuin); DNTN Minh Thuận (phường Thống nhất, TP Buôn Ma Thuột).

Đắk Nông: DNTN thương mại Liên Khương, huyện Tuy Đức; DNTN Hưng Thịnh (Cư Zức).

Đồng Nai: Công ty TNHH Việt Hưng (trạm xăng dầu Quảng Biên).

Gia Lai: Cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty sản xuất, xây dựng và dịch vụ thương mại 25 (huyện Mang Yang); Cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty kinh doanh phát triển miền núi huyện KonChro; Cửa hàng xăng dầu tại thị xã An Khê; DNTN Xuân Hòa (huyện Chư Sê); DNTN Hoàng An (huyện Yagrai); DNTN Bích Thuận (huyện Mang Yang); DNTN Tự Phát (thị xã An Khê).

TPHCM: Cửa hàng xăng dầu số 2 (tổ 11, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh); Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Uy Minh (A7/27 Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân).

Hưng Yên: DNTN Đức Thuấn (huyện Văn Giang); DNTN Cao Tươm (xã Vân Du, huyện Ân Thi).

Long An: DNTN Hiệp Thành 2 (quốc lộ 1A, thị xã Tân An).

Nam Định: Cửa hàng Yên Ninh Đường (xã Ý Yên, huyện Ý Yên).

Nghệ An: DNTN Công Nguyệt (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn); DNTN Văn Dũng (xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu); DNTN Mạo Phương (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu); DNTN Thành Nga (xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương); DNTN Quang Lan (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành); DNTN Tám Hằng (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành); DNTN Đào Thiên (xã Khánh Thành, huyện Yên Thành); Cửa hàng xăng dầu Lộc Đại (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành); DNTN Bá Tứ, Công Thành (Yên Thành).

Phú Thọ: Cửa hàng xăng dầu Hồng Châu (huyện Phù Ninh).

Quảng Nam: DNTN Hồng Hà (TP Hội An).

Bình Dương: DNTN xăng dầu Long Nguyên 1 (huyện Bến Cát); DNTN xăng dầu Hưng Thịnh (huyện Dĩ An); DNTN xăng dầu Thanh Thanh (huyện Dầu Tiếng).

Lạng Sơn: Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc DNTN Lâm Hùng (Chi Lăng).
 
(Số liệu do Thanh tra Bộ KHCN cung cấp)

Lan Hương