Đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người nghiên cứu khoa học
(Dân trí) - Bên cạnh cơ chế miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ, ĐBQH Trịnh Xuân An đề nghị có thêm quy định miễn trách nhiệm hình sự, nếu không người làm khoa học "hết sức rủi ro".
Đề nghị này được Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An đưa ra tại phiên thảo luận trên hội trường sáng 17/2, về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo quy định tổ chức và cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với điều kiện tuân thủ đầy đủ quy trình và quy định về nghiên cứu khoa học.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng nếu đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu và nội dung thuyết minh nhưng không đạt được kết quả như dự kiến.
Đề nghị miễn cả trách nhiệm hình sự và dân sự
Nhìn nhận những quy định trong dự thảo nghị quyết không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển, song đại biểu Trịnh Xuân An nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, sẽ không bao quát hết tình hình thực tế.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề nghị có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học (Ảnh: Minh Châu).
Với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, ông An đề nghị nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự.
Ngoài trách nhiệm dân sự, vị đại biểu đề nghị nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nếu đáp ứng các tiêu chí về tính khách quan, về quy trình thủ tục, nếu không người làm khoa học hết sức rủi ro", ông An nói thêm cùng với miễn trách nhiệm dân sự cần miễn trách nhiệm hình sự.
Theo ông, có thể nghiên cứu nội dung này để đưa vào nghị quyết thí điểm, làm nền trong các luật tiếp theo.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đồng tình với quy định về miễn trừ trách nhiệm.
Dự thảo nghị quyết quy định được miễn trừ trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu khoa học không đạt dù đã thực hiện đúng quy trình, song theo ông Cường, nếu quy định "đúng quy trình thì quy trình là gì", điều này phải làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận sáng 17/2 (Ảnh: Hồng Phong).
Nếu không cẩn trọng lại đi theo hướng "phải theo quy định của pháp luật", và cứ tuân thủ pháp luật là không làm cái gì cả, theo lời vị đại biểu.
Ông đề nghị sửa lại theo hướng "Khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí".
Về miễn giảm thuế, nghị quyết chỉ ra được miễn thuế thu nhập cá nhân với các phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, nhưng với phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ thì chỉ có doanh nghiệp được trừ vào trong phần chi phí để tính thuế, còn đơn vị nghiên cứu vẫn phải tính thuế thu nhập cá nhân.
Ông Cường nhận định đây là điều bất hợp lý. "Đơn vị nghiên cứu tự đi khai thác bên ngoài vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không công bằng. Do vậy đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho tất cả đơn vị nghiên cứu khoa học", vị đại biểu nêu quan điểm.
Đề nghị bổ sung thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng để thúc đẩy phát triển nhanh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng về không gian làm việc; phòng trưng bày, triển lãm hiện đại; phòng thí nghiệm, phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Dù vậy, nữ đại biểu nhìn nhận quy định pháp luật Việt Nam hiện chưa có hoặc mới đề cập chung chung, đặc biệt, các trình tự, thủ tục để đầu tư, xây dựng rất rườm rà, chưa có quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 57.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ảnh: Hồng Phong).
Bà đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách Nhà nước với vốn ngoài Nhà nước, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cụ thể, nữ đại biểu đề nghị giao đất sạch trực tiếp (không qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và không thu tiền sử dụng đất trong thời gian 10 năm trở lên, sau đó miễn giảm 50% tiền sử dụng đất cho thời gian tiếp theo (nếu như dự án đó có hiệu quả).
Bên cạnh đó, bà Thúy cho rằng cần có các hình thức giao thầu chìa khóa trao tay, chỉ định thầu hoặc đấu thầu rút gọn… như các quy định trong dự thảo Nghị quyết về đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Về trình tự, thủ tục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội góp ý với tài sản do Nhà nước đầu tư toàn bộ được cho tập thể, cá nhân nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thuê không qua đấu giá quyền khai thác sử dụng; miễn giảm tiền cho thuê hoặc cho sử dụng chung phục vụ nghiên cứu, đào tạo…
Ngoài ra, bà Thúy cho rằng cần có cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn nhà nước hoặc vốn kết hợp, theo hướng "Người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước".