1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề nghị áp quy định bình ổn giá với cước phí vận tải

(Dân trí) - Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định các mặt hàng buộc phải kê khai giá, danh mục hàng hoá phải bình ổn giá. Cụ thể, Bộ này đề xuất đưa giá cước vận tải (xe khách, xe buýt, taxi, vận tải hàng hoá) vào danh mục bình ổn giá.

Đề nghị này xuất phát từ việc các doanh nghiệp vận tải chậm trễ, “lơ” việc điều chỉnh giá cước vận tải khi giá xăng dầu liên tục giảm thời gian qua.

Công văn gửi Bộ Tài chính do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường ký ngày 1/12 nêu rõ, hiện nay, giá cước vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước vận tải gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong thực tế, giá cước vận tải luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ do đó người dân luôn quan tâm, theo sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải.
Cơ quan quản lý muốn siết quy định quản lý giá đối với các doanh nghiệp vận tải.
Cơ quan quản lý muốn siết quy định quản lý giá đối với các doanh nghiệp vận tải.

Theo quy định của luật Giá, nhà nước điều hành giá thông qua việc bình ổn giá hoặc định giá một số loại hàng hoá, dịch vụ theo danh mục do Chính phủ quy định. Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải bình ổn giá (Điều 3) và danh mục hàng hoá, dịch vị phải định giá (Điều 8) trong Nghị định 177 ban hành năm 2013 để hướng dẫn thi hành pháp lệnh giá thì giá cước vận tải bằng xe ô tô không thuộc diện này.

Ngoài ra, Nghị định 177 cũng chỉ bắt buộc kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi và cước vận tải với xe khách chạy tuyến cố định. Các hình thức kinh doanh vận tải khác được giao cho Sở Tài chính các tỉnh trình UBND xem xét quyết định việc kê khai.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại các tỉnh thành, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện việc quản lý giá cước vận tải hàng hoá, hợp đồng, du lịch trong khi giá cước vận tải hàng hoá có ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hoá.

Với những lý do như vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho sửa Nghị định 177 với 2 nội dung.

Trước hết, tại Điều 3, Bộ GTVT muốn bổ sung giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hoá vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần.

Bộ này cũng nêu vấn đề, Điều 15 Nghị định 177 mới chỉ đưa giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định, giá taxi vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bắt buộc phải kê khai giá. Cơ quan quản lý đề nghị sửa quy định, buộc kê khai giá với tất cả các loại cước vận tải bằng xe ô tô.

Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 177, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các địa phương bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục phải kê khai cước để quản lý theo quy định.

Được biết, theo quy trình, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tiếp thu và trình phương án sửa Nghị định để Chính phủ xem xét quyết định. Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều 1/12, đại diện Bộ Tài chính xác nhận đã nhận được văn bản đề xuất của Bộ GTVT và sẽ phối hợp cùng bộ này để lập phương án trình Chính phủ.

Trước đó, chính Bộ Tài chính đã gửi văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo DN vận tải tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu vì từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã giảm 8 lần, giá dầu diezen giảm 15 lần nhưng giá cước vận tải – loại dịch vụ chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu, lại chưa có động thái giảm tương ứng.

P.Thảo