1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn “án binh bất động”?

(Dân trí) - Theo các Hiệp hội vận tải, nếu nói cước vận tải đang “án binh bất động” trước việc giá xăng dầu giảm là không công bằng, bởi sự lên xuống thất thường của giá xăng dầu khiến họ trở tay không kịp và thực tế các doanh nghiệp vận tải đã giảm cước từ 5-10%.

Trước diễn biến mới của giá xăng dầu và tình hình thị trường vận tải, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - đã chủ trì buổi tọa đàm về giá cước vận tải tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hôm qua 13/11.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Giá xăng thời điểm hiện tại (tháng 11/2014) đã giảm khoảng 12.1% và giá dầu diezen giảm khoảng 16% so với giá xăng dầu tháng 1/2014. Tính bình quân cho cả giai đoạn từ tháng 1-9/2014 giá xăng giảm 1.1%/ tháng và dầu diezen là khoảng 1.5%/tháng. Với tỷ lệ giảm giá xăng dầu như trên tương ứng với tỷ lệ giảm của giá cước vận tải vào khoảng 5,6% - 8%”.

Taxi Mai Linh và Vinasun tại TPHCM hôm nay bắt đầu giảm giá cước 

Taxi Mai Linh và Vinasun tại TPHCM hôm nay bắt đầu giảm giá cước 

Lý giải vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ phó Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - cho biết, luật giá cước vận tải thực hiện khung giá do nhà nước quy định, căn cứ vào khung giá này doanh nghiệp vận tải kê khai giá và tự khai theo quy định, cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Cũng theo bà Hiền, năm nay, giá xăng đã 13 lần điều chỉnh, giá dầu có 19 lần. Đặc biệt, ngày 7/11, xăng giảm 900 đồng/lít, giá dầu giảm 520 đồng/lít. Tuy nhiên, giá xăng dầu chưa làm giảm sâu giá các loại dịch vụ khác.

“Theo cơ chế hiện nay, việc tăng giảm giá cước là do các doanh nghiệp vận tải đăng ký với Sở Tài chính địa phương. Sở Tài chính là cơ quan chủ trì và có quyền chấp thuận hay không chấp thuận, còn các Sở GTVT chỉ là đơn vị phối hợp. Không thể ép doanh nghiệp giảm giá cước, song cơ quan quản lý cần có biện pháp giám sát giá phù hợp. Trước 30/11, các sở giao thông phải làm việc với các hiệp hội vận tải địa phương và doanh nghiệp vận động giảm giá cước. Trong tháng 11, các địa phương sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra giá cước tại một số đơn vị vận tải lớn” - bà Hiền cho hay.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính phân bua: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, Thông tư 152 của Liên Bộ Tài chính-Giao thông chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đổi mới về quản lý cước quy định danh mục kê khai giá cước còn 3 dịch vụ với thời điểm kê khai là 5 ngày, tuy nhiên trong trường hợp điều chỉnh dưới 3% thì không phải kê khai lại.

Cước vận tải đã giảm chưa?

Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, các doanh nghiệp vận tải đã giảm cước từ 5-10%, nhiều doanh nghiệp trước giảm rồi nên nay chỉ giảm nhẹ. Giá cước vận tải hàng hóa, do yếu tố thị trường quyết định, khi ít hàng hóa vận chuyển thì các doanh nghiệp vận tải cũng tự giảm giá cước để hút khách.

Trong khi đó, Sở GTVT - đơn vị quản lý 100 hãng taxi với hơn 1.000 đầu xe - cho biết một số doanh nghiệp đã giảm giá nhưng không nhiều, các doanh nghiệp đang kê khai giá để có điều chỉnh. Hiện ở Bến xe miền Đông có 10 doanh nghiệp vận tải giảm giá vé; hãng taxi Mai Linh giảm giá từ 300 đồng đến 2.000 đồng/km tùy vùng, taxi Group giảm giá 300 đồng/km. Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định các doanh nghiệp taxi và buýt trên địa bàn đã giảm giá…

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: Tẩy chay doanh nghiệp vận tải vẫn tính giá cao

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: "Tẩy chay doanh nghiệp vận tải vẫn tính giá cao"

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam - cho biết, nhiên liệu chiếm 35-50% giá thành vận tải, khi giá nhiên liệu giảm mà cước vận tải lừng khừng chưa giảm thì người dân không chấp nhận.
 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo ngại rằng xăng dầu giảm giá chỉ được một thời gian ngắn lại tăng nhanh, tăng cao, khi đó vận tải không thể điều chỉnh kịp theo giá xăng. Trong khi đó, thủ tục tính toán, kê khai lại giá cũng phức tạp, các doanh nghiệp cũng rất thận trọng, thậm chí còn nhìn nhau để giảm giá.

“Các doanh nghiệp vận tải cũng run sợ, họ bảo điều chỉnh giảm nhưng đùng cái xăng dầu lại tăng giá thì làm thế nào? Và thực tế là xăng dầu cứ giảm chút rồi lại tăng, tăng, tăng… rồi mới lại giảm. Đó chính là lí do các doanh nghiệp thận trọng trong việc điều chỉnh giá cước vận tải. Tôi đã đề nghị các doanh nghiệp tính toán lại và phải giảm giá. Kêu gọi người dân, chủ hàng tẩy chay doanh nghiệp vận tải vẫn tính giá cao” - ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, trong các loại hình vận tải hiện nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là đơn vị vận tải lớn nhất trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đang áp dụng dải giá từ 800.000 đồng đến hơn 2,8 triệu đồng, mức giá này thấp hơn nhiều so với khung tối đa của giá trần do nhà nước quy định là 3,4 triệu đồng. Với đường thủy nội địa và vận tải hàng hải, từ đầu năm đến nay giá luôn giảm chứ chưa hề tăng. Vận tải đường sắt giá cước vận tải tương đối thấp so với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là trên tuyến cự ly dài giá vận chuyển hàng hóa chỉ bằng 50% vận tải container bằng đường bộ; chi phí vận tải hành khách cũng đã được điều chỉnh giảm từ 1/9.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, nếu nói giá vận tải “án binh bất động” thì chưa chính xác. Các doanh nghiệp đang rất thận trọng về vấn đề này và đợt kiểm tra sắp tới của các địa phương sẽ đánh giá chính xác việc giảm giá cước của doanh nghiệp.

Được biết, hôm nay (14/11), Bộ Tài chính phối hợp các thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm tra kê khai giá cước.

Châu Như Quỳnh