1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Để dịch Covid-19 bùng phát ở Hội thánh tại TPHCM, trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TPHCM là một điểm nhóm Tin lành tư gia. Bước đầu xác định, điểm nhóm này chưa thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch...

Chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19 trong các tổ chức tôn giáo. Tại cuộc trò chuyện này, các phóng viên cũng đề cập đến trách nhiệm của tổ chức, đơn vị khi để xảy ra bùng phát dịch Covid-19 ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TPHCM.

- Ông nhận định như thế nào về tình hình phòng, chống dịch trong các tổ chức tôn giáo và của các tín đồ thời gian qua?

- Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian qua, lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo đã cam kết với Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ chấp hành tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 và thông điệp 5K của Bộ Y tế; nhiều tổ chức giáo hội đã hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông tín đồ tham dự; tạm dừng hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; chuyển sang tổ chức sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo trực tuyến, sử dụng các trang truyền thông của giáo hội và cầu nguyện online tại gia đình; thực hiện giãn cách, không tổ chức lễ hội tập trung đông người; không mời đón giáo sĩ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là những quốc gia có dịch.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo chức sắc, chức việc, tín đồ nghiêm túc, tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của chính quyền địa phương và tích cực đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, trong đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ trên 200 tỷ đồng.

Để dịch Covid-19 bùng phát ở Hội thánh tại TPHCM, trách nhiệm thuộc về ai? - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng.

- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến tối 27/5, đã có 36 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến giáo phái Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (trong đó, 29 hội viên dương tính với SARS-CoV-2, 7 trường hợp dương tính khác là F1 của các trường hợp dương tính). Ông có ý kiến gì về sự việc này? Trách nhiệm này thuộc về cơ quan, đơn vị nào?

- Hội thánh truyền giáo Phục Hưng mà báo chí nêu là một điểm nhóm Tin lành tư gia, hoạt động tôn giáo độc lập với các tổ chức Tin lành khác. Phạm vi và địa bàn hoạt động tôn giáo của Hội thánh này chỉ diễn ra tại địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã đăng ký (địa chỉ số 205/2, đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp nay là số 415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) với 29 người thành viên thường xuyên. Việc người của điểm nhóm Tin lành này bị lây nhiễm SARS-CoV-2 như báo chí đưa tin, đến trưa 27/5 các cơ quan chức năng của TPHCM đang truy vết thần tốc nhằm xác định các nguồn lây nhiễm để có phương án dập dịch triệt để.

Khi có thông tin người nhiễm SARS-CoV-2 trong điểm nhóm Tin lành Truyền giáo Phục Hưng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trực tiếp trao đổi với Ban Tôn giáo TPHCM và người đứng đầu điểm nhóm, các tổ chức Tin lành trên địa bàn TPHCM phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cung cấp thông tin, khai báo y tế, thực hiện công tác truy vết lịch sử dịch tễ có liên quan; chủ động rà soát và nhắc nhở các tín hữu thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch Covid-19 theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Về phía điểm nhóm Tin lành, chưa thực hiện đúng tinh thần công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 7/5/2021 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương; chưa chủ động triển khai các biện pháp và chưa cập nhật văn bản và thông tin hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt cấp cơ sở. Các vụ, đơn vị chức năng mới chỉ phổ biến, hướng dẫn đến các tổ chức tôn giáo được công nhận mà chưa quan tâm, thông tin đến các điểm nhóm tôn giáo được cấp đăng ký (nhỏ, lẻ) tại cơ sở; công tác phối hợp quản lý địa bàn cở sở có khó khăn nhất định, địa bàn rộng, điểm nhóm sinh hoạt trong ngõ sâu nên khó kiểm soát.

Để dịch Covid-19 bùng phát ở Hội thánh tại TPHCM, trách nhiệm thuộc về ai? - 2

Lực lượng chức năng tổ chức truy vết, kiểm soát lây lan dịch bệnh sau khi xuất hiện hàng loạt ca nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Ảnh: Phạm Nguyễn).

- Có thể nói dịch Covid-19 lây lan rộng ở một số quốc gia trong thời gian qua có liên quan đến hoạt động tôn giáo là bài học lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 trong nước diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm một số tôn giáo có các hoạt động quan trọng, Bộ Nội vụ/Ban Tôn giáo Chính phủ có cảnh báo gì về vấn đề này?

- Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 trong nước diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm một số tôn giáo ở Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn, như: An cư kiết hạ, Vu lan của Phật giáo, Lễ hội La Vang của Công giáo, Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài, tháng chay Ramadan của người Hồi giáo và các hội nghị, đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo. Nếu không nghiêm túc thực hiện giãn cách và áp dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến mà vẫn tổ chức và tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người sẽ là một trong những nguy cơ lớn dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bộ Nội vụ đã hướng dẫn lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở thờ tự. Ngay sau khi phát hiện những ca đầu tiên của đợt dịch lần thứ tư, Bộ đã ban hành văn bản số 1988/BNV-TGCP ngày 7/5/2021 gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tổ chức và hoạt động tôn giáo. Thông qua các hoạt động chúc mừng Giáng sinh trong Công Giáo, Tin Lành; chúc mừng Phật trong Phật giáo và các công tác tiếp xúc vận động chức sắc, tôn giáo, tín đồ tham gia bầu cử… đều hướng dẫn và yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, không để lây lan trong cơ sở sở tôn giáo.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm