Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được báo cáo Chính phủ

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ GTVT đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đồng thời đã báo cáo Chính phủ Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; phê duyệt dự án Dầu Giây - Tân Phú…

Thông tin này được đề cập trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, tại Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo, sau phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo, nhiều nhiệm vụ đã được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai.

Trong đó, Hà Nội đã hoàn thành công tác nghiệm thu đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và đưa vào khai thác. TPHCM hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo phương thức PPP; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được báo cáo Chính phủ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng tốc, bứt phá để hoàn thành 1.200km cao tốc vào năm 2025 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Bộ GTVT đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành, đồng thời đã báo cáo Chính phủ Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt.

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được thi công khoảng 1.700km trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có khoảng 1.200km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 (nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000km).

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vì tổng vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông toàn quốc năm 2024 là rất lớn, khoảng 200.000 tỷ đồng.

Ông chỉ đạo với các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, phải đẩy nhanh và bố trí vốn, giải quyết dứt điểm các công việc, báo cáo Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng, tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật…

Theo yêu cầu của Thủ tướng, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phải khẩn trương, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống "mua, bán" thầu, tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí...

Nhấn mạnh thời gian từ nay đến cuối năm 2025 cũng không còn nhiều và là giai đoạn cần triển khai khối lượng công việc lớn, phải có sự đột phá, tăng tốc, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025", đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc".

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý với 436km thuộc 14 dự án, dự án thành phần chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thầu mới có thể đáp ứng đúng tiến độ và hoàn thành trong tháng 8.

Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công dự án Dầu Giây - Tân Phú; hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, đồng thời hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để sớm trình các cấp có thẩm quyền.