ĐBSCL: Nước lũ lên nhanh, tai ương xuất hiện
Sáng 26/8, Trung tâm Khí tượng - Thuỷ văn An Giang cho biết, lũ đầu nguồn đang lên nhanh. Vào hồi 7 giờ, nước lũ trên sông Hậu, lũ tại Châu Đốc là 3,54m, cao hơn mức báo động 3 là 0,4cm.
Tiếng khóc nơi đầu nguồn sông Hậu
Ngược sông Hậu, chúng tôi đến Vĩnh Hội Đông - xã đầu sóng ngọn gió của huyện đầu nguồn An Phú vào giờ nghỉ trưa, nhưng văn phòng Đảng uỷ vẫn tấp nập người ra vào. Anh Lưu Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã - cho biết: "Lũ lên nhanh với cường suất mạnh đã làm vỡ đê và tấn công 153ha lúa vụ 3. Bên kia con sông Bình Di, đường đi của cả ấp 3 vốn là bờ kênh cao ráo giờ đã chìm sâu dưới dòng nước, nhiều hộ dân phải kê kích mới có được nơi trú ngụ".
Chúng tôi xin được đến tận nơi, anh Dũng khuyên: "Phải kiếm ghe lớn, chớ nước xoáy như vầy đi bằng xuồng nguy hiểm lắm". Tại nhà ông Phan Văn Thóc, cả gia đình đang co ro trên sàn mới được dựng tạm sát cánh én, ông Thóc cho biết: "Mấy năm gần đây, quen với cảnh lũ lên từ từ nên đêm hôm này thấy nước lé đé mặt sàn, định sáng nay giăng xong mẻ lưới mới kê lên cao, ai dè mới hừng sáng ra nước đã ngập".
Anh Dũng xen vào: "Nước lên nhanh kiểu này sẽ có hàng trăm hộ dân ở Vĩnh Hội Đông bị khốn khó về cái ở, nhưng đáng lo hơn là chuyện cái ăn. Hiện đa số diện tích lúa vụ 3 trong xã đang độ cong trái me cần thêm khoảng 10 ngày nữa, nhưng với diễn biến lũ như hiện nay thì việc bảo vệ đê là rất khó khăn, còn chuyện bảo vệ tính mạng...".
Câu chuyện bị cắt ngang, khi có tin có người chết đuối ở ấp 2. Lao theo dòng người về hướng cuối ấp 2, chúng tôi như thắt lòng trước tiếng gào khóc thảm thiết đến khản giọng của đôi vợ chồng trẻ bên cái xác bé trai bất động tuổi chưa đầy thôi nôi. Bà con cho biết, vợ chồng anh Hồ đang cho con ăn thì bất ngờ cháu Đạt trượt chân té xuống nước. Khoảng 50 trai tráng trong xóm nhảy xuống mò vớt, nhưng do dòng nước quá mạnh nên sau hơn hai tiếng ngụp lặn, mới vớt được cái xác tím xanh trôi cách đó gần 200m.
Căng thẳng ở sông Tiền
Trên sông Tiền, tuy còn 0,5cm nữa mới đạt mức báo động 3, nhưng dòng lũ nơi đây cũng đã dồn người dân vào đường cùng của sự khốn khó. Anh Nguyễn Văn Lên - Trưởng BCH PCLB&TKCN huyện Tân Châu - cho biết: Trước tình hình lũ lên nhanh, ngay trong sáng sớm, chúng tôi đã điều ngay chiếc ho-bo 200 mã lực chi viện cho đội cứu hộ ngã ba kênh Bảy Xã.
Vừa tới ngã ba kênh Bảy Xã, anh Trần Văn Nghĩa - Xã đội phó xã Phú Lộc, huyện Tân Châu - đã chào khách bằng thông tin buồn: Hồi 4 giờ sáng này đã có hai xuồng câu, lưới bị nước lũ mạnh từ thượng nguồn đổ về cuốn vào vùng xoáy, may mà nhờ huyện vừa chi viện ho-bo nên chúng tôi đã cứu hộ an toàn.
Lại có tiếng kêu thất thanh: Xuồng câu bị hút vào dòng xoáy kìa. Ngay lập tức, lực lượng ấp Phú Quý, xã đội ào xuống tắc ráng, nổ máy lao ra: Người ném phao, người quăng dây vớt xuồng, chỉ một loáng cả hai thanh niên và chiếc xuồng đã được đưa ra khỏi vòng nguy hiểm, vào bờ an toàn".
Có mặt tại hiện trường, anh Nguyễn Văn - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc - cho biết: Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, sóng to, gió lớn, nước lũ lên nhanh thế này việc đi giăng câu lưới cả dân nghèo sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm mà hiệu quả lại thấp. Bởi một khi nước đổ mạnh, cá tôm cũng theo con nước đi hết".
Nước lũ đã tràn vào Đồng Tháp Mười
Chiều 26/8, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin từ khu vực đầu nguồn hai tỉnh Long An, Đồng Tháp. So với ngày 25/8 và cùng kỳ năm trước, mực nước đo được tại tất cả các trạm đều đã vượt cao hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Chiến - thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão Long An - cho biết: Tại 3 huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An, mực nước đã cao hơn cùng kỳ năm 2004 từ 0,35m đến 0,59m. Lũ đã tràn vô nhiều cánh đồng, nhưng rất may hầu hết đều là diện tích bà con nông dân vừa thu hoạch lúa xong.
Lũ ở Đồng Tháp có phần nan giải hơn do năm nay nông dân xuống giống diện tích lúa vụ 3 khá lớn (trên 74.000ha). Theo kỹ sư Nguyễn Chấp Kinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Đồng Tháp, hiện chưa có diện tích lúa vụ 3 bị ngập, nhưng số diện tích nằm trong đê bao lửng hoặc ngoài đê bao đang bị đe doạ. Nhiều khả năng một số diện tích phải thu hoạch non "chạy lũ".
Một số huyện ở Đồng Tháp đang đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí gia cố đê bao. Bảo vệ an toàn cho trẻ em vùng lũ cũng là vấn đề bức xúc tại Đồng Tháp. Bên cạnh các điểm giữ trẻ hình thành từ mùa lũ trước vẫn được duy trì, các huyện ở Đồng Tháp đang gấp rút thành lập thêm các điểm giữ trẻ. Chỉ riêng huyện Tháp Mười hiện đã có trên 22 điểm giữ trẻ mùa lũ đang hoạt động...
Lũ ĐBSCL 2005 lên nhanh bất ngờ và quả thật đến lúc này vẫn chưa thể đưa ra được những tiên đoán chính xác về mức công phá của cơn lũ nghiệt ngã từ thượng nguồn đổ về.
Theo Lục Tùng - Như Giang - Hoàng Hậu
Báo Lao động