1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

ĐBSCL có thể nhận được 1,44 tỷ m3 nước ngọt sau đợt Trung Quốc xả lũ

(Dân trí) - Đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, khi Trung Quốc kết thúc đợt xả nước tại các hồ chứa vào ngày 10/4 tới đây, dự kiến lượng nước ngọt từ dòng sông này đổ về ĐBSCL của Việt Nam sẽ đạt khoảng 1,44 tỷ m3, rất có tác dụng khắc phục hạn hán và đẩy mặn khu vực này.

Ông Trần Đức Cường đánh giá cao việc Trung Quốc xả nước hỗ trợ ĐBSCL của Việt Nam khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn (ảnh: Nguyễn Dương)
Ông Trần Đức Cường đánh giá cao việc Trung Quốc xả nước hỗ trợ ĐBSCL của Việt Nam khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn (ảnh: Nguyễn Dương)

Ông Trần Đức Cường – Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đánh giá việc Trung Quốc chấp nhận đề nghị của Việt Nam xả nước tại các đập thủy điện xuống hạ lưu sông Mê Kông để góp phần giúp ĐBSCL khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn là thái độ hợp tác tích cực.

Cũng theo ông Cường, nước ngọt từ sông Mê Kông đã về tới ĐBSCL từ ngày 2/4, bởi thời điểm đó mực nước đo được tại khu vực Tân Châu và Châu Đốc là 0,1m. Ngày 10/4, Trung Quốc sẽ kết thúc đợt xả nước đầu tiên và nước ngọt từ sông Mê Kông sẽ tiếp tục đổ về ĐBSCL kéo dài đến ngày 29/4.

Lượng nước tại khu vực Tân Châu và Châu Đốc sẽ đạt cao đỉnh lớn nhất là 0,71m vào ngày 7/4, lưu lượng dòng chảy tại khu vực này tăng với mức lớn nhất là 4.300m3/s đo được trong ngày 5/4.

Ngay khi Trung Quốc kết thúc đợt xả nước đầu tiên vào ngày 10/4 tới đây, dự kiến lượng nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về ĐBSCL tại khu vực Tân Châu và Châu Đốc đến hết tháng 4/2016 đạt khoảng 1,44 tỷ m3. Đây là lượng nước rất đáng kể giúp ĐBSCL khắc phục hạn hán và đẩy mặn ra xa hơn.

Hạn - mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL làm nhiều cánh đồng đất nứt toác, lúa chết khô (ảnh: Phạm Tâm)
Hạn - mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL làm nhiều cánh đồng đất nứt toác, lúa chết khô (ảnh: Phạm Tâm)

“Tại sông Cổ Chiên ở ĐBSCL đường ranh mặn ngọt 1g/l có thể vào sâu tới 50km. Nếu như Trung Quốc xả nước với lưu lượng 2.140 – 2.240m3/s như thông báo thì sẽ góp phần đẩy đường ranh này ra khoảng 8km tại cửa sông Cổ Chiên; Tại cửa sông Cửa Đại đường ranh mặn ngọt 1g/l có thể sâu tới 45km, nếu có nước xả của Trung Quốc về sẽ đẩy đường ranh này ra khoảng 10km; Cửa sông Hậu đường ranh mặn ngọt 1g/l sẽ vào sâu trong đất liền khoảng 70km, Trung Quốc xả nước sẽ đẩy đường ranh này ra xa 6-7km” – ông Cường cho biết.

Ông Đồng Văn Tự - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập (Tổng Cục Thủy Lợi – Bộ NN&PTNT) cho biết, trước đó, Tổng Cục Thủy lợi đã có cuộc họp với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của 13 tỉnh tại ĐBSCL về kế hoạch tăng cường lấy nước, tích trữ nước phục vụ dân sinh, sản xuất. Vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để tưới cho cây trồng và cấp nước phục vụ dân sinh khi nước ngọt xuất hiện. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan tranh thủ lấy nước và quản lý nước chặt chẽ, hiệu quả,…

Ngoài ra, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo: Nguồn nước này chỉ là nhất thời, không mang tính bền vững. Vì vậy, người dân không nên xuống giống ồ ạt vụ hè thu sớm ở những vùng ven biển, vùng có nguy cơ thiếu nước, bởi sau khi Trung Quốc và Lào ngừng xả nước, mặn sẽ tiếp tục xâm nhập ở những khu vực này, bà con nông dân sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.

Nguyễn Dương