Đẩy nhanh thi hành án các vụ việc có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng
(Dân trí) - Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, TPHCM khẳng định sẽ tập trung giải quyết các vụ việc có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng, nhất là tài sản bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý III năm 2020, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, kết quả thi hành xong về tiền tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 - tăng hơn 6.000 tỷ đồng. Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, nghiêm túc thực hiện.
Tuy nhiên, mặc dù lượng án thụ lý mới đều giảm cả về việc và tiền so với cùng kỳ năm 2019 nhưng kết quả tỷ lệ thi hành xong trên số có điều kiện thi hành về việc lại giảm. Một số địa phương có kết quả thi hành án xong đạt thấp, nhất là về tiền, như: Hà Giang, Quảng Bình, Nam Định, Hà Nam, Quảng Nam…
Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chưa chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước vẫn còn diễn ra.
Đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội và TPHCM khẳng định sẽ tập trung giải quyết các vụ việc có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng; đẩy nhanh tiến độ xử lý và giao tài sản thi hành án, nhất là tài sản bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đồng thời chú trọng kiểm tra giám sát quá trình tác nghiệp chấp hành viên, nêu cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.
Ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu toàn hệ thống cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ tình hình chung của đất nước và của ngành tư pháp, thi hành án dân sự.
“Bối cảnh chung hiện nay còn rất nhiều khó khăn nên ngành thi hành án dân sự phải nỗ lực hết mình mới hoàn thành nhiệm vụ, tuyệt đối không được để công tác thi hành án trở thành “điểm nghẽn” trong nỗ lực chung của cả bộ máy Chính phủ”-ông Khôi nhấn mạnh.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương phải đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra giám sát nội bộ, đề cao trách nhiệm nêu gương, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái khẳng định, toàn hệ thống cần chủ động, bám sát kế hoạch công tác năm 2020 để “tăng tốc” thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tập trung quyết liệt tổ chức thi hành các vụ việc trọng điểm, có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng, nâng cao hiệu quả, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Cơ quan này sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong công tác kê biên, bán đấu giá tài sản; làm tốt công tác tự kiểm tra. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm, tham nhũng, tiêu cực và khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thế Kha