1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở 61 huyện nghèo

(Dân trí) - Số người đi XKLĐ của 61 huyện nghèo chiếm chưa tới 3% trên tổng số trong khi đây lại là một trong những giải pháp giúp người dân xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Bộ LĐTB-XH đã đề xuất một cơ chế được coi là không thể ưu đãi hơn.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở 61 huyện nghèo - 1
Đẩy mạnh XKLĐ là giải pháp xoá đói giảm nghèo

Hiện cả nước vẫn còn 61 huyện thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, cao gấp 3 lần tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Thu nhập bình quân của nhóm nghèo ở các huyện nghèo khoảng 140 nghìn đồng/tháng (năm 2006) với 90% là người dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của các địa phương, số lượng tham gia đi XKLĐ của 61 huyện nghèo trong những năm qua là rất thấp. Trong 2 năm 2006-2007 chỉ có khoảng 5 nghìn người đi XKLĐ, chiếm chưa tới 3% so với cả nước. Trong khi đó, dân số của 61 huyện nghèo chiếm khoảng 2,4 triệu người với hơn một nửa là trong độ tuổi lao động.

Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - Bộ LĐTB-XH phân tích, sở dĩ có kết quả XKLĐ như vậy là do trình độ văn hoá và tay nghề của người lao động các huyện nghèo thấp, chỉ có khoảng 9% tổng dân số có trình độ THPT và gần 10% lao động đã qua đào tạo. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của người dân rất khó khăn.

Thứ nữa, nhận thức của người dân địa phương còn rất hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ chưa đủ mạnh để người dân thấy được lợi ích của XKLĐ, từ đó dám chấp nhận thay đổi môi trường sống để tham gia XKLĐ. Về phía chính quyền, cán bộ địa phương, đặc biệt là cấp thôn, xã cũng chưa nhận thức được đầy đủ về lợi ích XKLĐ với công tác xoá đói giảm nghèo.

Một tác nhân nữa là các huyện nghèo chủ yếu nằm ở khu vực miền núi, xa trung tâm tỉnh lị, các doanh nghiệp XKLĐ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức triển khai công tác tuyển người lao động tại địa phương. Thậm chí, có một số huyện còn chưa có doanh nghiệp XKLĐ nào về tuyển chọn trong những năm qua.

Thực tế, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ XKLĐ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội nhưng chưa đủ mạnh , mức hỗ trợ thì còn thấp và chỉ trợ giúp được một phần nhỏ trước khi đi.

Ngoài ra, các chính sách này thiếu đồng bộ, manh mún, không giải quyết căn bản được vấn đề khó khăn của người lao động tại các huyện nghèo đó là: văn hoá thấp, thiếu thông tin, nhận thức hạn chế, khó khăn kinh tế, chưa đào tạo nghề…

Thí điểm 10 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009 - 2010

Trước tình hình đó, theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua, Bộ LĐTB-XH đã dự thảo “Đề án hỗ trợ đẩy mạnh XKLĐ tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015” nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo điều kiện và hỗ trợ về kinh phí để nhiều người lao động huyện nghèo tham gia XKLĐ.

Theo đó, người lao động được hỗ trợ kinh phí bổ túc văn hoá trọn gói bao gồm học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt trong thời gian học văn hoá. Viêc hỗ trợ về học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và làm thủ tục đi XKLĐ đưa chia ra thành 2 nhóm với mức độ hỗ trợ khác nhau.

Trong đó, hộ người dân tộc thiểu số được hỗ trợ toàn bộ từ phí học nghề, ngoại ngữ, tiền sinh hoạt tiêu dùng, đi lại đến chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Còn những người lao động khác chỉ được hỗ trợ kinh phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Trong giai đoạn thí điểm (2009-2010): Bộ LĐTB-XH sẽ trực tiếp tổ chức hướng dẫn đặt hàng đào tạo nghề, ngoại ngữ theo yêu cầu của từng thị trường tiếp nhận lao động. Giai đoạn triển khai rộng (2011 – 2015), ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương. Bộ LĐTB-XH giới thiệu doanh nghiệp XKLĐ, cơ sở đào tạo tham gia Đề án với các địa phương để phối hợp tuyển chọn đào tạo và đưa đi.

Chính sách tín dụng ưu đãi cũng sẽ được áp dụng đối với cả người lao động và cơ sở đào tạo LĐXK. Trong đó, người lao động đi theo chương trình đề án được vay ưu đãi toàn bộ chi phí hợp lý theo nhu cầu với mức lãi suất 0,65%. Cơ sở đào tạo được vay tới 70% tổng dự toán của dự án đầu tư được cấp.

Đặc biệt, nhằm giảm thiệt hại cho người lao động trong trường hợp rủi ro khi làm việc ở nước không do lỗi của người lao động, nếu phải về nước trước thời hạn còn được được xem xét miễn, giảm lãi tiền vay hoặc xoá nợ khoản vay ngân hàng mà người lao động chưa trả hết.

Nếu đề án được Chính phủ phê duyệt, có lẽ chưa bao giờ người lao động ở các huyện nghèo lại được tạo nhiều điều kiện đến vậy . Hi vọng với một chính sách như vậy, mục tiêu đưa thí điểm được khoảng 10 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009-2010 và từ 50-60 nghìn lao động giai đoạn 2011 – 2015 sẽ thành hiện thực.

Lan Hương