Đầy hóa chất cấm trong rau quả, thủy hải sản

Các bà nội trợ mỗi khi đi mua rau, củ, quả đều rất thích chọn những loại thật xanh bóng mượt, no tròn. Mua thủy hải sản lại hay chọn loại cứng, mang còn đỏ tươi... Tuy nhiên, thực tế tại một số chợ ở TPHCM thì các loại thực phẩm này lại ẩn chứa nhiều hóa chất cấm, độc hại cho sức khỏe.

Hầu hết đều có hóa chất cấm

 

Trong hai ngày 19 và 20/3, chúng tôi đến một số chợ tại TPHCM để mua rau, củ, quả và một số loại thủy hải sản. Tại chợ Kiến Thiết (Q.Phú Nhuận) chúng tôi mua ba loại: rau muống, đậu đũa và khoai tây Trung Quốc ở ba hàng khác nhau. Tại chợ Phú Nhuận chúng tôi mua cải ngọt, dưa leo và đậu cô ve cũng ở hai hàng khác nhau.

 

Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) chúng tôi mua khoa tây Đà Lạt, cà rốt Trung Quốc và rau ngót ở ba hàng khác nhau. Vào cuối buổi chiều 19/3, chúng tôi còn mua mực râu, cá bạc má tại chợ Trần Hữu Trang (Q.Phú Nhuận) và cá nục tại chợ Hòa Hưng (Q.1). Chúng tôi đem tất cả các loại thực phẩm này gửi đến Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TPHCM đề nghị kiểm nghiệm tìm hai loại hóa chất cấm sử dụng trong trồng trọt là Endosulfan và Metamidophos. Với thủy hải sản, chúng tôi đề nghị tìm urê.

 

Sau hơn mười ngày, trung tâm này đã có kết quả phân tích với những thông tin hết sức đáng lo ngại. Trong chín mẫu rau củ, quả mua ở các chợ, cơ quan kiểm nghiệm phát hiện bảy mẫu có hóa chất Metamidophos. Đây là hóa chất có tên biệt dược thường dùng là Monitor. Riêng chất cấm Endosulfan không phát hiện ở tất cả các mẫu.

 

Cụ thể, rau muống có chứa Monitor với hàm lượng rất cao, gần 3.750 mcrg/kg; khoai tây Trung Quốc 14,58 mcrg/kg; đậu cô ve 7,59 mcrg/kg; cải ngọt 6,99 mcrg/kg; dưa leo 6,39 mcrg/kg; rau ngót 4,30 mcrg/kg; cà rốt Trung Quốc 1,57 mcrg/kg. Chỉ có đậu đũa và khoai tây Đà Lạt không thấy có Monitor.

 

Về thủy hải sản, kết quả kiểm nghiệm phát hiện 3/3 mẫu có urê. Cụ thể, mực râu có chứa phân urê ở hàm lượng 2,18 mg/kg; cá nục ở mức 1,91 mg/kg và cá bạc má ở mức 1,75 mg/kg.

 

Tại hội nghị về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở TPHCM cuối tháng 3/2007 vừa qua, Bộ Y tế cũng cảnh báo thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cấm sử dụng trên rau là Endosulfan và Monitor vẫn tìm thấy trong một số mẫu rau.

 

Bộ Y tế còn cho biết với những loại hóa chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng cũng phát hiện dư lượng quá mức cho phép khá cao. Cụ thể, 70% số mẫu rau ăn lá có dư lượng thuốc Pyrethroid, còn lại là Fipronil, Dithiocarbamate, một số loại lân hữu cơ và Carbendazim.

 

Độc hại khó lường

 

Bác sĩ Trần Văn Ký cho biết khi rau củ quả có thuốc trừ sâu thì dù có rửa nước sạch và đun sôi, nấu chín cũng không thể loại bỏ hết mà chỉ giúp làm giảm phần nào. Còn thủy hải sản đã bị tẩm phân urê thì dù rửa hay nấu chín cũng không thể loại bỏ được do nó đã ngấm sâu vào trong thịt.

 

Trước khi sử dụng rau củ quả nên rửa sạch thật kỹ ba lần dưới vòi nước đang chảy, sau đó ngâm rau trong nước thêm 15 phút. Không nên mua các loại rau bóng mượt vì đó là rau có hóa chất kích thích tăng trưởng. Kể cả thuốc trừ sâu cũng có tác dụng này (bóng mượt) nên người ta dùng thuốc trừ sâu cả khi rau... không có sâu. Nên mua rau củ quả ở nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng.

 

Với thủy hải sản, nên chọn mua loại được bảo quản tốt (trong hệ thống cấp đông, tủ lạnh có nhiệt độ dưới 5oC, hoặc bảo quản trong đá mạt (đá bào nhỏ) phủ kín). Còn cá bảo quản ở chợ bằng mấy cục nước đá to chỉ là hình thức bảo quản cho có lệ, không ngăn chặn được thực phẩm hư hỏng nên người ta thường sử dụng phân urê để bảo quản. 

Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN - cho biết Monitor là tên thương mại của loại thuốc trừ sâu có tên gọi Metamidophos. Đây là loại thuốc trừ sâu có gốc phosphor rất độc với thần kinh và các cơ quan nội tạng. Monitor có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng.

 

Theo bác sĩ Ký, khi ăn phải các loại rau củ quả có hóa chất Monitor, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng tức ngực, khó thở, chảy nước mũi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, ói, rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi, cảm giác thấy rất yếu, sợ sệt, lo lắng.

 

Nếu ăn thường xuyên, lâu dài loại rau củ quả có chất độc hại này sẽ bị ngộ độc mãn tính, gây ung thư thần kinh, hư các cơ quan nội tạng, giảm trí nhớ, đau đầu thường xuyên, đau thần kinh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể... Loại thuốc trừ sâu này đã bị cấm sử dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ năm 2000.

 

Còn urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, không phải là hóa chất bảo quản thực phẩm. Đây là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ (chỉ 4.500-5.000đ/kg) nên không ít người kinh doanh thực phẩm thủy hải sản tươi sống đã dùng phân urê để bảo quản thực phẩm. Thủy hải sản khi được bôi hoặc tẩm urê sẽ nhìn như còn mới, dễ đánh lừa người tiêu dùng là thực phẩm còn tươi.

 

Theo bác sĩ Ký, khi ăn phải các loại thực phẩm có chứa phân urê thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với những biểu hiện như đau bụng dữ dội, ói, buồn nôn, tiêu chảy. Về lâu dài sẽ bị ngộ độc mãn tính: gây mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, trí nhớ giảm, hay cáu gắt.

 

Với những hóa chất BVTV được phép sử dụng nếu dư lượng cao quá mức cho phép cũng có thể gây độc hại cho sức khỏe nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

 

Khi nào có thực phẩm an toàn?

 

Bác sĩ Trần Văn Ký cho rằng tại TPHCM hiện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân. Ngoài ra, về mặt cảm quan, nhìn rau sạch không được đẹp và tươi như rau sử dụng nhiều hóa chất BVTV nên nhiều người không thích. Do đó dẫn đến tình trạng nông dân trồng rau sạch không tiêu thụ được hoặc bị lỗ, rốt cuộc là họ không mặn mà với việc trồng rau sạch.

 

Cũng tại hội nghị vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đánh giá rằng chưa kiểm soát được việc nuôi trồng rau củ quả, thủy sản... từ môi trường đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch và chế biến. Tình trạng dư lượng hóa chất BVTV, kháng sinh và hormon đang là mối lo ngại lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, thương mại và an sinh xã hội. Thống kê từ năm 2000-2006 đã có 677 vụ ngộ độc thực phẩm do rau quả, hóa chất BVTV, riêng về ngộ độc thủy hải sản có tới hơn 11.600 người mắc và hơn 280 người chết.

 

Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành danh mục thuốc BVTV và qui định danh mục các loại thuốc BVTV cho rau, nhưng một số nơi vẫn còn sử dụng các thuốc trừ sâu hóa học đã cấm. Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng hướng dẫn, không giữ đúng thời gian cách ly, lạm dụng thuốc BVTV vẫn là vấn đề nan giải. Do lạm dụng thuốc BVTV dẫn đến hậu quả để lại tồn dư thuốc BVTV trên nông sản thực phẩm.

 

Trong khi đó công tác kiểm tra, giám sát tồn dư thuốc BVTV trong rau quả lại tiến hành chưa thường xuyên, số mẫu được kiểm tra còn ít, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng sản xuất rau an toàn hiện nay.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi Trẻ