1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đầu xuân ngược đỉnh Keo Nưa

(Dân trí) - Đã lâu lắm, đường lên biên giới Việt - Lào tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo mới lại phủ kín bởi lớp sương mù dày đặc và cái lạnh thấu xương như dịp Tết năm nay. Con đường đèo tử thần ngược lên cửa khẩu vì thế cũng đầy bất trắc, hiểm nguy…

Đầu xuân mới, PV Dân trí bỏ lại sau lưng sự nhộn nhịp của mùa xuân phố phường, ngược lên đỉnh Keo Nưa, thăm những chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - những người đang chốt chặn cửa ngõ, bảo vệ tổ quốc.

 

Chút linh thiêng nơi cung đường tử thần

 

Đoạn đường từ thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo dài hơn 30 cây số (thuộc QL 8A) nhưng đi qua không biết bao nhiêu dãy núi, ngọn đồi. Mỗi khi mùa mưa đến kèm lớp sương mù dày đặc, con đường ấy tưởng như dài hàng trăm cây số.

 

Đã có một thời QL 8A được mệnh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam nhưng ở cuối đường lại ngoằn nghoèo, uốn lượn qua những ngọn núi cao, hiểm trở khiến con đường trở thành nỗi kinh hoàng của cánh tài xế. Năm 2002, hai chiến sĩ CSGT trên đường làm nhiệm vụ đã rơi xuống vực sâu hàng trăm mét; người dân Hương Sơn còn chưa quên nỗi đau 5 người dân đi trên đường bị chôn vùi, thiệt mạng cùng lúc... 

 

Cũng vì thế mà với nhiều người ngược Cầu Treo, ngoài sự cẩn trọng còn có cả niềm tin vào tâm linh. Người tài xế trẻ của chúng tôi tên Toàn, là một tay lái cừ khôi trên tuyến đường đầy hiểm họa lên biên giới Việt - Lào, bật mí: “Dọc tuyến đường lên cửa khẩu có những chỗ rất linh thiêng, ngoài sự tập trung mỗi người qua đây đều cần sự may mắn. Trước chuyến đi em luôn mang bên mình một lá bùa hộ mệnh”.

 

9h sáng, chúng tôi khởi hành. Suốt chặng đường leo núi, khuôn mặt anh tài xế căng thẳng, hai cánh tay nắm chặt vô lăng. Qua mỗi đoạn đường có bát nhang, Toàn lại ném xuống những xếp tiền lẻ.

 

11h30, xe chúng tôi có mặt tại Cửa khẩu Cầu Treo. Sương mù ken đặc núi rừng. Người giáp người mà không nhìn rõ mặt nhau. Tất cả chỉ có tiếng gầm rú của xe, của gió núi và của tiếng người. 

 

Kể chuyện đón xuân nơi biên giới

 

Sau vài thủ tục kiểm tra giấy tờ tùy thân nhanh gọn ngay trước trạm biên phòng cửa khẩu, PV Dân trí đã có mặt tại phòng làm việc của lãnh đạo đơn vị. Ngày mùng 5 Tết, sắc xuân vẫn còn nguyên trong những căn phòng làm việc và trên những khuôn mặt của hầu hết các chiến sĩ bộ đội biên phòng.

 

Có quá nhiều câu chuyện cảm động về những con người không được đón Tết cùng gia đình để ở lại đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Như Thiếu úy Nguyễn Ngọc Nguyên, dù nhà chỉ cách nơi công tác hơn 100 cây số nhưng đã 3 năm nay, anh chưa một lần được đón Tết cùng gia đình.

 

 

Đầu xuân ngược đỉnh Keo Nưa - 1
 

Thiếu úy Nguyễn Ngọc Nguyên

 đã 3 năm nay đón Tết

nơi biên ải.

 

Anh tâm sự: “Từ khi lên nhận nhiệm vụ ở đây, tiện công việc thì ghé qua nhà, còn không cứ vài tháng mới về thăm vợ con một lần. Làm vợ của một người chồng như thế ai mà chẳng buồn. Nhưng tôi thật may vì có một người vợ hiểu và thông cảm cho công việc của chồng”.

 

Nhiệm vụ của anh Nguyên mỗi lần trực Tết tại biên giới Việt - Lào, ngoài việc chỉ huy anh em tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tội phạm, bảo vệ bình yên tuyến biên giới, anh còn là đầu tàu tổ chức cho gần 80 chiến sĩ ở lại đón Tết vui xuân. Nhắc đến cái Tết này, anh Nguyên bảo thời tiết biên giới khắc nghiệt quá khiến anh em càng thêm vất vả.

 

Còn về không khí Tết, anh Nguyên tự hào, “chẳng thua gì dưới xuôi”. Cũng thịt lợn, bánh chưng, hoa đào… Anh em còn giao lưu ngày Tết với các đồng nghiệp ở nước bạn Lào với những bữa ăn đầy hương vị Tết và những buổi văn nghệ đậm chất người lính nơi núi rừng.

 

Ngay sau đêm giao thừa, các chiến sĩ đã vội trở lại với nhịp đập của công việc thường ngày, bám núi, băng rừng tuần tra nơi biên giới. Dẫu là ngày Tết, mỗi mét đất núi rừng biên cương đều in hằn dấu chân người lính…

 

Văn Dũng - Minh San

 

(Còn nữa)