1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dấu vết một đường dây “thi hộ” tiến sĩ

Hàng loạt tiến sĩ do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp VN đào tạo đang giữ những vị trí quan trọng tại các sở NN&PTNT, khoa học công nghệ và một số trung tâm nghiên cứu lớn của các địa phương. Thế nhưng, không ít người trong số đó vừa bị phát giác là đã nhờ người thi hộ hoặc “chạy” để trở thành tiến sĩ.

Ngày 18/5 vừa qua, Phòng CSĐT Công an TP Hà Nội và Thanh tra Bộ NN&PTNT làm việc với lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp VN (KHKTNN) để làm rõ một số nội dung trên.

 

Một thí sinh, hai môn thi - hai nét chữ khác nhau

 

Lật lại hồ sơ thi tuyển nghiên cứu sinh (NCS) năm 1997, trong số những người tham gia thi đầu vào, đến thời điểm này đã xác định được ít nhất 4 trường hợp gian lận, man trá trong môn ngoại ngữ (tiếng Anh). Đáng chú ý, trong số này có bài thi của vị tiến sĩ tương lai Trần T.H, giám đốc Sở KHCN một tỉnh miền Trung và tiến sĩ Đoàn H.T, hiện đang giữ chức phó giám đốc một trung tâm chuyển giao KHCN ở Hải Phòng...

 

PGS-TS Tạ Minh Sơn - Quyền Viện trưởng Viện KHKTNN cho rằng, bài kiểm tra tiếng Anh - trình độ C - môn đọc + viết của thí sinh Trần T.H số phách Đ135, số báo danh 11 đã có chữ ký của 2 giám thị phòng thi (tức là hợp lệ). Bài thi môn Di truyền của thí sinh trên cũng đều đã có chữ ký của giám thị.

 

Tuy nhiên, giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội lẫn Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đều cho một kết quả kinh ngạc: Chữ viết trên “bài kiểm tra tiếng Anh - trình độ C - môn nghe” của thí sinh Trần T.H với chữ viết trên “bài thi môn di truyền” cũng của thí sinh này không phải do cùng một người viết ra.

 

Sau khi nhận được thông tin này, năm 2004, Đoàn Thanh tra của viện đã yêu cầu thí sinh Trần T.H có bản tường trình nhưng đến nay, ông H. vẫn không thực hiện mà đề nghị đoàn “giúp đỡ”.

 

Vậy thì người làm bài tiếng Anh giúp ông tiến sĩ Trần T.H là ai? Kết quả mới chỉ nghi ngờ là một nghiên cứu sinh trong Viện KHKTNN, chưa đủ kết luận cá nhân này có làm bài thi giúp hay không thì đùng một cái, người bị nghi ngờ đã chết trong một tai nạn hy hữu khi vụ việc bắt đầu “lộ sáng”.

 

Tương tự, kết quả giám định chữ viết trong “bài kiểm tra: tiếng Anh - trình độ C - môn đọc + viết” của thí sinh Đoàn H.T với chữ viết trong “bài thi môn: Di truyền” cùng ghi tên Đoàn H.T cũng... không phải do một người viết ra nốt. Nhờ giám định của Viện Khoa học Hình sự, cuối cùng cũng đã xác định được người làm bài thi tiếng Anh giúp thí sinh Đoàn H.T kia cũng là một thí sinh khác.

 

Mặc dù sự việc đã xác định rõ mười mươi rằng nghiên cứu sinh này làm bài thi giúp nghiên cứu sinh Đoàn H.T nhưng viện không hề có biện pháp xử lý. Mới đây, tháng 3/2005, nghiên cứu sinh này cũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình.

 

Tổ chức thi riêng hay tuồn bài thi vào sau?

 

Được biết, việc thi tuyển nghiên cứu sinh đòi hỏi phải rất chặt chẽ, dưới sự quản lý của trực tiếp trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, ấy thế mà không hiểu sao các thí sinh nói trên vẫn ngang nhiên thi giúp nhau được, trong khi chính họ cũng đang phải làm bài thi của mình? Phải chăng có sự thông đồng của ai đó ở Phòng Đào tạo sau ĐH để tổ chức thi riêng hoặc đút bài vào sau?

 

Thời điểm thi môn tiếng Anh này, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, chuyên viên Phòng Đào tạo sau ĐH (nay giữ chức trưởng phòng) là một trong 2 giám thị.

 

Những nghi vấn về sự tiếp tay của cán bộ Phòng Đào tạo sau ĐH càng có cơ sở khi đoàn thanh tra của chính Viện KHKTNN xác minh thêm trường hợp khác - nghiên cứu sinh Trần V.T, phó giám đốc một sở lớn ở Quảng Bình, cũng bị tố cáo là gian lận trong thi cử.

 

Khi đoàn thanh tra nắm được bảng điểm kết quả thi 24 môn học của thí sinh này trong thời gian làm nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ thì 7 môn có dấu hiệu tổ chức thi riêng hoặc đút bài thi vào sau. Đó là các môn: phương pháp nghiên cứu khoa học, triết học, hệ thống nông nghiệp, sinh thái thực vật, lý thuyết khai thác tài nguyên khí hậu, lý luận dạy học ĐH...

 

Là trưởng Phòng Đào tạo sau ĐH, ông Nguyễn Huy Hoàng đã giải trình về 7 môn thi này nhưng đoàn thanh tra của Viện cho là “không đủ căn cứ”. Sau đó, ông Hoàng đã thẳng thừng từ chối trách nhiệm của mình với lý do: Năm 1997 khi thi đầu vào nghiên cứu sinh, ông “không phải là lãnh đạo Phòng Đào tạo sau ĐH nên không chịu trách nhiệm”. PGS-TS Phạm Văn Chương, trưởng đoàn thanh tra, đã yêu cầu ông T. gửi bản tường trình và cho ý kiến về nhưng môn thi trên. Nhưng đến 7 tháng sau, tiến sĩ T. vẫn không có văn bản trả lời.

 

Một chuyên viên khác của Phòng Đào tạo sau ĐH - Viện KHKTNN cho biết, số nghiên cứu sinh diện nghi vấn rất đông nhưng không thể làm rõ được do Phòng Đào tạo sau ĐH giữ sổ ghi chép chứng chỉ thi của nghiên cứu sinh (sổ lưu vĩnh viễn), không cung cấp ra ngoài.

 

Quyền viện trưởng Viện KHKTNN cũng đã có công văn yêu cầu thanh tra viện phối hợp với Phòng Đào tạo sau ĐH kiểm tra, làm rõ các vấn đề, đặc biệt là hồ sơ cấp chứng chỉ và điểm các môn thi của nghiên cứu sinh (thi vào và thi trả môn học). Tuy nhiên, sau nhiều lần đề nghị, trưởng phòng Nguyễn Huy Hoàng và Phòng Đào tạo sau ĐH cũng chỉ cung cấp sổ ghi chép việc cấp chứng chỉ từ năm 1998 đến nay; còn từ 1998 về trước, câu trả lời là... “Không có”!

 

Theo Vân Du
Người Lao Động