1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đầu tư thế nào để chống suy thoái?

(Dân trí) - Suy thoái kinh tế đã và đang tác động đến ngành xây dựng trong nước. Trong khi đó, theo chủ trương hiện nay của Chính phủ, chỉ có nguồn vốn Nhà nước là có hy vọng không giảm. Vậy sử dụng nguồn vốn ấy thế nào cho hiệu quả, nên đầu tư vào đâu?

Vì sao đầu tư bằng vốn Nhà nước không giảm?

Vốn đầu tư vào xây dựng được hình thành từ 4 nguồn chủ yếu là vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn của dân và vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hùng -  Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, chỉ có nguồn vốn Nhà nước có hy vọng không giảm hoặc có thể tăng.
 
Đầu tư thế nào để chống suy thoái? - 1
Đầu tư hạ tầng hiệu quả là một cách để phục hồi kinh tế.

Cụ thể là trong điều kiện hạ tầng cơ sở của Việt Nam đang còn rất yếu kém, chắc rằng Chính phủ sẽ trình Quốc hội để duy trì và tăng vốn đầu tư và khả năng cao nhất cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật (thông qua các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay, có hỗ trợ lãi suất, phát hành trái phiếu…).

Mặt khác, chỗ ở của nhiều cán bộ, công nhân đang trong điều kiện rất kém, nhà nước cũng cần dành khoản đầu tư thích đáng để xây dựng nhà ở xã hội dưới  hình thức thuê, thuê mua. Đây cũng là một hình thức kích cầu có hiệu quả.

Đối với vốn đầu tư của doanh nghiệp, trong điều kiện thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, việc triển khai các dự án công trình và xây dựng mới bị ảnh hưởng thì nguồn vốn đầu tư xây cho công trình xây dựng sẽ bị giảm sút.

Tương tự, nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở của các doanh nghiệp tư nhân cũng gặp khó khăn. Vì vậy, khó có thể tăng hơn năm trước đây. Riêng nhà ở do dân tự xây dựng có thể không giảm do yêu cầu bức xúc về nhà ở và giá vật liệu đang giảm.

Cùng chung số phận, vốn đầu tư mới của đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ giảm sút, việc giải ngân và triển khai đầu tư vốn đã được cấp phép sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo chuyên gia của The Economist Intelligence Unit dự báo, vốn đầu tư nước ngoài có thể giảm tới 70%.

Không chỉ vốn đầu tư xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, đặc biệt đối với các loại vật liệu xây dựng đã đầu tư, đang đầu tư sản xuất có sản lượng cao, cung vượt cầu, như xi măng, gạch lát, thép… Thị trường trong nước khó khăn, xuất khẩu bị ảnh hưởng do sự giảm sút đầu tư của thị trường trong nước ngoài nước.

Đó là chưa kể Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta sẽ bị chịu tác động trực tiếp bởi sự cạnh tranh gay gắt về vật liệu nhập khẩu và cả lực lượng nhập khẩu (cả nhân lực quản lý và công nhân xây dựng), nhất là các dự án đấu thầu quốc tế.

Đầu tư vào kết cấu hạ tầng và phát triển nhà ở xã hội

Theo quan điểm của Tổng hội xây dựng Việt Nam, tăng chi phí cho ngành kết cấu hạ tầng và phát triển nhà ở xã hội sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Ông Phạm Thế Minh, Tổng thư ký tổng hội khẳng định:

Qua kinh nghiệm các nước cho thấy, trong thời kỳ suy thoái, việc ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng là giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhất để phục hồi kinh tế. Cần chọn lĩnh vực hạ tầng nào đang là khâu yếu nhất và khi đầu tư vào đạt nhiều mục tiêu nhất nhằm khắc phục suy thoái.

Như vậy, ở Việt Nam, đó chính là hạ tầng giao thông. Nhưng nói đầu tư vào giao thông cũng phải lựa chọn vào những công trình trong những vùng kinh tế đang bị ách tắc nhất vì vốn của chúng ta không nhiều.

“Nhà nước chỉ nên đầu tư vào hạ tầng dùng chung cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp như đường bộ, đường thủy hoặc những hạ tầng cần thiết nhưng sinh lời thấp, tư nhân, doanh nghiệp không muốn đầu tư như đường sắt. Còn cảng biển, càng sông và cả sân bay, kho hàng và những công trình hạ tầng khác có điều kiện thu hồi vốn, có chủ khai thác nên khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư.

Đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM cần sớm khởi động các dự án tầu điện ngầm, các nút giao lập thể để giải quyết ách tắc giao thông mà theo tính toán hiện nay đang làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi ngày do sự ách tắc này” - ông Minh cho biết.

Bên cạnh đầu tư vào hạ tầng, kích cầu về nhà ở cũng rất cần được khuyến khích vì rằng phần lớn khoản tiền kích cầu vẫn ở lại trong nước do ít phải mua hàng nhập khẩu, khác với xây dựng công nghiệp. Theo TS Phạm Sĩ Liêm, “điều này cũng đáng quan tâm vì nếu không khéo thì hóa ra bỏ tiền kích cầu cho các nước khác”.

Nhưng để làm được hai nhiệm vụ quan trọng này thì một trong những yếu tố quan trọng đó chính là phải “khơi thông” được các thủ tục hành chính. “Cần phải cải cách ngày các thủ tục trong đầu tư xây dựng, như vậy mới thực hiện được dự án đúng tiến độ và đó cũng chính là biện pháp kích cầu” - Tổng thư ký Phạm Thế Minh nói.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm