Đầu tư công "như một căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai cho rằng đầu tư công trong những năm qua được gắn với những cụm từ "chậm", "rất chậm" và "quá chậm", "như một căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị".
Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Cần tách riêng việc bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng
Cho ý kiến về dự án luật, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt. Tuy nhiên, đầu tư công trong những năm qua được gắn với những cụm từ như "chậm", "rất chậm" và "quá chậm", "như một căn bệnh mãn tính chưa có phác đồ điều trị".
Về trường hợp cần thiết tách riêng việc bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành các dự án độc lập tại dự luật, đại biểu cho biết, quy định này giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án đã đang được triển khai.
Theo ông Mai, hiện đa số các dự án chậm là do khâu GPMB. Bây giờ, việc này được tách ra thành hai thành phần thuộc dự án tạo điều kiện để địa phương chủ động hơn, giải quyết khâu mặt bằng, đảm bảo dự án triển khai đồng bộ.
Vị đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn như thế nào là "trường hợp thực sự cần thiết" để việc tách hay hình thành dự án bồi thường cho rõ để tránh việc làm sai, sợ sai trong triển khai thực hiện.
Đồng thời, nếu tách riêng việc bồi thường tái định cư, GPMB cần phải có cơ chế quy định chặt chẽ, tránh tình trạng sau khi giải phóng dự án không triển khai gây lãng phí nguồn lực.
Thời gian tách riêng việc bồi thường tái định cư, GPMB thực hiện dự án không vượt quá tổng thời gian bố trí vốn trong dự luật.
Đề cập đến vấn đề tách riêng dự án GPMB, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, mặc dù chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết, nhưng với những kết quả đã đạt được, ông Cường cho rằng có thể yên tâm cho phép tách phần GPMB tất cả các dự án nhóm A, B, C.
Tuy nhiên, theo ông Cường, để tránh tình trạng lạm dụng việc tách để GPMB rồi để đất trống, không sử dụng đúng mục đích, đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc dự án GPMB xong đất phải được đưa vào sử dụng đúng mục đích của dự án ban đầu.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nhất trí với chủ trương cũng như nhiều đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" thì cũng cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp (khoản 7 và 8 Điều 18).
Bà Thủy cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho hai cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.
"Chúng ta đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương. Bởi vì HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định, tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình chúng tôi thấy rất hợp lý", bà Thủy nói.
Bà cũng nhấn mạnh: "Chúng ta đang cho rằng đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian cũng chỉ là một cách giải thích và đã có những giải pháp để khắc phục việc này".
Theo nữ đại biểu, đề xuất trong dự thảo luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư cũng sẽ có độ giãn rất lớn, từ dưới 90 tỷ đồng đến 4.600 tỷ đồng đối với một dự án tùy theo lĩnh vực.
Bà Thủy cho rằng, căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, quy mô, tính chất, tổng mức đầu tư của dự án, HĐND hoàn toàn có thể giao UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương như quy định tại khoản 7 Điều 17 của luật hiện hành.
Bà cho rằng quy định như vậy để các địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành, như vậy là hợp lý hơn so với việc giao toàn bộ thẩm quyền này cho UBND.
"Tôi đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương như đề xuất nêu trên. Nhất là khi chưa lấy ý kiến HĐND các cấp, cũng như chưa chỉ rõ được thời gian chờ phê duyệt dự án tại HĐND chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thời gian chuẩn bị, triển khai dự án, và có phải là nguyên nhân chính của việc chậm triển khai các dự án đầu tư công hay không", vị đại biểu nêu.