1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Đầu mùa mưa đã lo sạt lở, vỡ bờ bao

(Dân trí) - Mấy ngày qua, TPHCM liên tục xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài gây ngập nước ở nhiều khu vực. Nhưng đáng lo hơn là tình hình sạt lở bờ sông và vỡ bờ bao ngăn triều.

Đầu mùa mưa đã lo sạt lở, vỡ bờ bao - 1
Mới đầu mùa mưa, người dân Thủ Đức đã phải sống trong ngập úng vì hệ thống kênh rạch không thể thoát nước

Đáng lo là bởi ngập chỉ có thể gây phiền toái cho giao thông, sinh hoạt nhưng sạt lở bờ sông, vỡ bờ bao ngăn triều thì đến bất ngờ, có thể gây thiệt hại tài sản và tính mạng người dân. Trong khi đó, mới đầu mùa mưa mà TPHCM đã xuất hiện những cơn mưa rất lớn và kéo dài, lượng mưa có xu hướng ngày càng cao, số vị trí có nguy cơ sạt lở ngày càng nhiều và hệ thống bờ bao thì không bảo đảm.

 

Hầu như tất cả các quận huyện có sông rạch chảy qua đều còn nhiều đoạn bờ bao xung yếu, có nguy cơ vỡ bờ, tràn bờ khi mưa to hoặc triều cường. Như huyện Bình Chánh đến nay vẫn có nhiều tuyến đê bao thấp, nhiều lỗ mọi, thường xuyên bị tràn bờ khi xuất hiện triều cường. Huyện Củ Chi, địa bàn thường xuyên bị sông Sài Gòn uy hiếp trong mùa mưa thì cũng còn nhiều đoạn bờ bao thấp, yếu.

 

Xã Nhị Bình, Hóc Môn hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng nước sông tràn bờ, vỡ bờ nhưng đến nay vẫn còn những đoạn bờ bao nhỏ hẹp, yếu ớt. Thậm chí xã Thới Tam Thôn có rạch Hóc Môn dài đến 720m chảy qua nhưng vẫn chưa có bờ bao…

 

Quận 12, chỉ riêng địa bàn phường Thạnh Lộc đã có đến 10 đoạn bờ bao xung yếu, xuống cấp, cần gia cố cấp bách; phường Thạnh Xuân cũng có 7 đoạn; phường An Phú Đông có 5 đoạn…

 

Ngay quận trung tâm như Bình Thạnh cũng có nhiều đoạn bờ bao xung yếu ở các khu vực Bình Quới, rạch Chài, rạch Cây Bàng… Tuyến bờ bao thuộc địa phận phường 13, 14 quận Gò Vấp cũng có nguy cơ bị tràn bờ. Quận Thủ Đức thì hầu hết các phường đều có bờ bao xung yếu như: Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Tam Phú…

 

Ngoài ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM cũng đã thông báo đến các địa phương tình hình sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp. Hiện trên địa bàn TP có đến 45 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông; trong đó, nhiều nhất là huyện Nhà Bè (13 vị trí), Cần Giờ (10 vị trí), Bình Thạnh (9 vị trí)… Nhiều vị trí có khu vực nguy cơ sạt lở dài đến hàng trăm mét.

 

Quan trọng nhất là 45 vị trí này hầu như đều có cư dân sinh sống. Nếu sạt lở xảy ra chắc chắn sẽ gây thiệt hại tài sản và có khả năng gây ra thiệt hại về người. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng chỉ có thể cảnh báo người dân đề phòng và vận động di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng hầu như không mấy ai đồng ý đi.

 

Trong khi đó, các công trình xây dựng bờ bao, bờ kè chống sạt lở quy mô lớn thì hầu hết đều thi công chậm do giải tỏa đền bù (dự án Bờ hữu sông Sài Gòn, dự án Bờ tả sông Sài Gòn quận Thủ Đức…). Nhiều địa phương còn chậm bàn giao các công trình thủy lợi sau khi hoàn thành cho đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành nên một số công trình chưa phát huy hết hiệu quả, mau xuống cấp…

 

Trước tình hình đó, cũng như thời gian trước mùa mưa bão những năm trước, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão lại phát thông báo yêu cầu các địa phương khẩn trương gia cố các đoạn đê bao xung yếu phòng chống vỡ bờ bao gây ngập nước, thường xuyên kiểm tra và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ… 

 

Nhưng hầu như những công đoạn này chỉ… làm cho có vì với tình trạng đê bào, bờ kè yếu ớt, xuống cấp, thi công ì ạch như trên thì chỉ có thể chờ… vỡ bờ bao rồi huy động sức người, sức của đến chống chứ không thể phòng được. Thực tế hàng chục vụ vở bờ bao xảy ra đều đều hằng năm là minh chứng rõ ràng nhất.

 

Tùng Nguyên