1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đâu là nguyên nhân vụ cháy động cơ máy bay tại Nhật Bản?

(Dân trí) - Theo nhận định của các chuyên gia an ninh hàng không, sự cố nhiều khả năng do lỗi bất thường từ động cơ (một chi tiết nào đó bị hư hỏng bất thường gây cháy) hoặc trong khi hạ cánh trên đường bay có vật lạ va vào làm sứt mẻ động cơ.

Chi phí khổng lồ do bảo hiểm chi trả

Ngay từ 17 giờ ngày hôm qua, 30/7, phía cơ quan điều tra sự cố của Nhật Bản đã yêu cầu Vietnam Airlines (VNA) mở hộp đen của chiếc Boeing B777 mang hiệu VN 950. Cùng với đó, phía Nhật Bản cũng yêu cầu VNA cung cấp đầy đủ thông tin về máy bay... để phục vụ công tác điều tra. Toàn bộ chi phí đậu đỗ tại sân bay Narita sẽ do đơn vị bảo hiểm máy bay chi trả.

Chiều nay, 31/7, Cục hàng không Việt Nam cho biết đã gửi văn bản đề nghị cơ quan điều tra Nhật Bản cung cấp thông tin về tiến độ điều tra sự cố.

Về chi phí thiệt hại của sự cố ngày 30/7, một nguồn tin cho biết số tiền ước tính lên tới hàng triệu USD bởi gần như chắc chắn động cơ bị hỏng sẽ phải thay thế bằng một động cơ khác. Tuy nhiên, thiệt hại “nhãn tiền” và lớn nhất mà VNA gặp phải là sự thiếu hụt Boeing B777 trong đội bay. Dự kiến, chiếc Boeing 777 VN 950 sẽ nằm tại Narita khoảng 1 tháng để phục vụ công tác điều tra.

Boeing 777 được VNA sử dụng trên các đường bay dài đến Pháp, Úc, Nhật Bản… Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố cháy đối với động cơ Boeing B777, động cơ này được ghi nhận là có tính ổn định rất cao vì là máy bay thế hệ mới, độ ổn định thiết kế cũng như các đơn vị khí tài cho động cơ cũng cao hơn.

Hiện nay, cơ trưởng chuyến bay là ông Nguyễn Đức Bình đã tạm thời phải đình bay để phục vụ công tác điều tra. Đây là quy tắc trong ngành hàng không. Ông Bình nguyên là phó ban An toàn chất lượng Cục hàng không Việt Nam, hiện là giáo viên hướng dẫn bay Boeing 777. Ông Bình được đánh giá là phi công có tay nghề “cứng” nên hướng xử lý sự cố ngày 30/7 được các chuyên gia hàng không đánh giá tốt.

Đâu là nguyên nhân vụ cháy động cơ?

Hôm nay, 31/7, VNA đã cử hai thợ máy sang Nhật để trực tiếp tham gia quá trình điều tra, nhà sản xuất máy bay cũng sẽ cử đại diện tham gia vào quá trình này.

Theo nhận định của các chuyên gia an ninh hàng không, sự cố nhiều khả năng do lỗi bất thường từ động cơ (một chi tiết nào đó bị hư hỏng bất thường gây cháy) hoặc trong khi hạ cánh trên đường bay có vật lạ va vào làm sứt mẻ động cơ.

Nhiều nhận định nghiêng về nguyên nhân là do đường dầu có chỗ hở bất thường. Hiện tượng cháy âm ỉ bên ngoài được giải thích có thể là do dầu cặn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mức độ như thế nào để gây cháy cần phải được làm rõ. Dầu thừa sau mỗi chuyến bay là chuyện bình thường và chỉ có khả năng xảy ra cháy khi lượng dầu chảy lớn hơn mức bình thường.

Việc có mùi bốc lên như mùi cháy có thể được giải thích từ việc: hệ thống điều hòa trên máy bay lấy khí trích từ động cơ vào nên khi có cháy ngửi mùi biết ngay. Cháy điện và cháy điều hòa, tổ lái đều có thể phát hiện.

Quy trình kiểm tra an toàn bay trước mỗi chuyến bay luôn được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trước khi bay, tổ thợ máy sẽ kiểm tra máy bay theo từng quy trình, trước hết từ sổ sách thể hiện niên hạn sử dụng, sổ kỹ thuật ghi từng giờ bay, lý lịch từng động cơ ghi. Việc kiểm tra cũng thực hiện hoàn toàn bằng mắt thường và bằng quy trình. Cơ trưởng chuyến bay bao giờ cũng đi từ đầu đến cuối máy bay kiểm tra các bộ phận bằng mắt thường theo quy trình, không có vấn đề gì mới ký vào sổ nhận máy bay. thời gian kiểm tra trước bay 1 tiếng, thường hoàn tất trước khi đón khách lên 30 phút.

Theo thống kê, trục trặc khi bay có liên quan đến động cơ ở Việt Nam là rất ít bởi hầu hết các sự cố nếu có, đều được phát hiện khi nổ máy dưới đất, trong quá trình bảo dưỡng định kỳ. Những trường hợp được ghi nhận là khi cất cánh bị chim đâm vào hoặc động cơ cảnh báo nhiệt độ quá giới hạn cho phép.

Một sự cố hy hữu gây cháy được ghi nhận cách đây 2 năm trên một chuyến bay tới Điện Biên bằng máy bay ATR 72. Khi phát hiện cháy, cơ trưởng hạ cánh kiểm tra lại phát hiện đường ống ngoài động cơ bị nứt, có lỗ dò, khi bay áp suất lớn dầu phụt ra gây cháy ngoài động cơ.

Phúc Hưng