1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dấu hiệu bất thường tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo

(Dân trí) - Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) được chính phủ đầu tư mạnh về xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu. Nhưng hàng loạt dấu hiệu cho thấy, nguồn vốn đó đang bị lãng phí và thất thoát khi BQL dự án có những quyết định khó hiểu.

Xé nhỏ dự án “làm quà” cho nhà thầu thiếu năng lực

 

Ngày 18/4/2007, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Bãi Dinh (xã Dân Hóa) thuộc Khu kinh tế cửa khẩu (KKT CK) Cha Lo thành khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua CK này, xây dựng khu chế biến, đóng gói hàng hóa và dịch vụ thương mại phục vụ việc XNK và xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến phục vụ 1.500 dân khu Bãi Dinh đến năm 2020.

 

Khu vực quy hoạch rộng 110 ha, với nhiều hạng mục liên hoàn như đường giao thông chính, đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, hệ thống thông tin… với hy vọng thúc đẩy sự phát triển giao thương qua KKT CK Cha Lo vốn gần như không đáng kể từ khi được thành lập năm 2002.
 
Dấu hiệu bất thường tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo - 1

KKT CK Cha Lo được kỳ vọng tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua hoạt động giao thương, nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại.

 

Được giao làm chủ đầu tư dự án, BQL KKT CK Cha Lo đã “cắt” ra 476 m đường loại rộng 7,5m trong tổng số gần 17 km hạng mục đường nội vùng (tổng vốn ước tính gần 110 tỷ đồng) chỉ định cho Cty TNHH XDTH Linh Lương (ở xã Võ Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình) thi công với số vốn đầu tư 906 triệu đồng.

 

Theo quy định trong hồ sơ mời thầu, nhà thầu đạt chuẩn phải hoạt động ít nhất 2 năm, có ít nhất 2 công trình tương tự. Tuy nhiên, trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu này, ký ngày 7/7/2008, công ty mới thành lập được 7 tháng nhưng đã có kinh nghiệm trong xây dựng các công trình giao thông được… 2 năm.

 

Để cụ thể hóa hồ sơ kinh nghiệm này, nhà thầu đã kê ra 3 công trình, trong đó có 2 công trình đã thi công từ trước khi công ty được thành lập.

 

Theo tìm hiểu của Dân trí, trong 2 công trình trên Linh Lương chỉ là B phụ, tức được nhà thầu chính giao thi công khi Linh Lương còn là… đội thợ xây xã Võ Ninh.

 

Chẳng hiểu thực hư hai bản hợp đồng này thế nào, nhưng thật khó hiểu khi bên giao thầu (bên A) không có chữ ký, chỉ có con dấu phô-tô, còn bên B là chữ ký tươi mực của ông Trương Xuân Diệu (nay là Giám đốc Linh Lương), ký với tư cách đội trưởng đội thợ xây.

 

Năng lực nhà thầu như vậy, nên không có gì ngạc nhiên khi công trình phải hoàn thành vào tháng 11/2008 theo hồ sơ mời thầu bị chậm tiến độ gần nửa năm và ngày 15/4/2009, các bên đã tiến hành nghiệm thu nhưng không thống nhất được khối lượng vì độ dày thi công không đúng với thiết kế.

 

Dư luận đặt câu hỏi: không hiểu hậu quả trên do BQL KKT CK Cha Lo non kém kinh nghiệm thẩm định thầu dù đã làm chủ đầu tư hàng loạt công trình xây dựng, hay vì Linh Lương chính là đơn vị đứng ra xây tư gia cho ông Trưởng BQL Đinh Ngọc Quế?

 

Công trình đã quyết toán vẫn được bù giá

 

Công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Khe Rộng và La Trọng (xã Trọng Hóa) được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt báo cáo khả thi vào tháng 7/2004, đến cuối tháng 11/2004 khởi công và hoàn thành tháng 10/2006 với tổng vốn đầu tư trên 4,5 tỷ đồng.

 

Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng và được BQL KKT CK Cha Lo đánh giá là thủ tục xây dựng cơ bản được thực hiện đầy đủ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Nhưng có một quy định khá đơn giản mà BQL này đã bỏ qua đó là công trình nhóm C phải quyết toán trong vòng 6 tháng kể từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Hơn 1 năm sau, ngày 3/12/2007, Hội đồng thẩm tra quyết toán mới có biên bản thẩm tra gửi UBND tỉnh.

 

Sự chậm trễ này sẽ không quá nghiêm trọng nếu sau đó ít ngày, ngày 15/12/2007, BQL KKT CK Cha Lo không có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị… bổ sung dự toán. Tờ trình cho rằng từ lúc thi công chưa làm thủ tục bổ sung được vì trong đó có hạng mục điện sinh hoạt thi công 40% thì phải dừng lại…

 

Tờ trình này nhanh chóng được UBND tỉnh chấp thuận, dẫn đến việc ngày 15/7, bà Phạm Thị Bích Lựa - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định số 1696/QĐ-UBND cho phép bổ sung dự toán thêm 523 triệu đồng vào số tiền được quyết toán hơn 3,1 tỷ đồng mà trước đó đích thân bà chấp bút ký duyệt.

 

Theo quy định, sau khi quyết toán công trình, mọi ràng buộc pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã hết, bởi vậy số tiền bổ sung đó đến tay nhà thầu hay rơi vào túi ai cũng đang là một dấu hỏi lớn cần giải đáp.
 
Dấu hiệu bất thường tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo - 2

Chợ và trạm y tế Cha Lo xây xong rồi... để hoang.

 

 

KKT CK Cha Lo được thành lập năm 2002, gồm 6 xã thuộc huyện Minh Hóa, với 11 chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng quy định. BQL KKT này được thành lập cùng năm, có chức năng quản lý mọi hoạt động của KKT. Sau 7 năm hoạt động, ngoài hàng loạt các công trình xây dựng cơ bản với nhiều vấn đề (sai phạm trong đấu thầu, thi công, công trình không sử dụng…), KKT CK Cha Lo hầu như không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư và mức độ hát triển kinh tế ở khu vực này vẫn dẫm chân tại chỗ dù mỗi năm đều được Chính phủ đầu tư hàng chục tỷ đồng. Tháng 12/2008, Thủ tướng đã có quyết định thành lập Ban quản lý chung đối với các Khu kinh tế ở Quảng Bình, hủy bỏ quyết định thành lập BQL KKT CK Cha Lo của UBND tỉnh Quảng Bình.

 

 Nhóm PVĐT

 (Còn nữa)