1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đau đớn nhìn người thân chìm xuống lòng đại dương

(Dân trí) - Hơn 30 giờ vật lộn với sóng gió biển cả. 10 ngư dân bám vào một tấm bần phao rộng chừng 2,5m2, rồi chia nhau từng phút mặc 2 cái ao phao để cố gắng sống sót, nhưng cuối cùng chỉ có 2 người trở về. Nước mắt nghẹn đắng trong phút giây trùng phùng.

Thuyền Viên Hồ Vĩnh Lai trở về đoàn tụ cùng gia đình như một phép nhiệm mà của biển cả.
Thuyền Viên Hồ Vĩnh Lai trở về đoàn tụ cùng gia đình như một phép nhiệm mà của biển cả.

Chia nhau từng phút mặc áo phao để sống

30 giờ ngâm mình trong làn nước biển lạnh căm, chiến đấu với hàng ngàn con sóng dữ, 2 ngư dân Hồ Vĩnh Lai và Vũ Viết Hà may mắn được cứu sống như một phép nhiệm mầu. Họ đã về tới đất liền, về với gia đình bình an. Nhưng còn đó 8 ngư dân vẫn còn nằm đâu đó ngoài biển khơi. Phút đoàn tụ cùng gia đình lại nghẹn ngào trong nước mắt tang thương.

Nhớ lại thời khắc kinh hoàng khi con tàu định mệnh NA 90249 TS bị sóng đánh chìm, ngư dân Hồ Vĩnh Lai (SN 1978, ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) ầng ậc nước mắt: “Hôm đó vào khoảng 5 giờ sáng ngày 28/11, tàu bị gãy chiếc sào trước rồi sóng đánh đến khi con tàu chìm dần. Lúc này, mọi người cố gắng múc nước ra rồi khẩn cấp gọi cứu hộ qua bộ đàm. Gần 1 tiếng sau thì tàu chìm hẳn”.

Anh Lai trong vòng tay thân thương của bà con xóm làng đến thăm hỏi động viên. 
Anh Lai trong vòng tay thân thương của bà con xóm làng. Trở về nhưng trong lòng anh quá đau buồn khi tận mắt chứng kiến người em ruột chìm dần vào lòng biển.

Cũng theo lời kể của anh Lai, mặc dù lời kêu cứu được khẩn cấp phát qua bộ đàm nhưng các thuyền bạn ở quá xa không thể đến cứu kịp. 10 người chỉ kịp đưa chiếc bần phao rộng khoảng 2,5m2, dày chừng 1m xuống biển. Sau khi tàu bị chìm hẳn, 10 người bám vào chiếc phao đó, động viên nhau cố gắng sống sót.

Lúc này 10 ngư dân chỉ kịp mang theo 2 cái áo phao nên mọi người chia nhau từng phút để mặc áo phao, cố bám lấy những gì còn có thể. Cứ thế, người nào có dấu hiệu đuối sức nhất thì sẽ được mặc áo phao để hồi phục sức khỏe. Lúc đó sóng biển rất lớn, nước lạnh như băng nên sức khỏe của các ngư dân yếu đi rất nhanh.

Anh Lai trong vòng tay thân thương của bà con xóm làng đến thăm hỏi động viên. 
 

“Khi thuyền chìm rồi, thì chỉ duy nhất được 2 áo phao, chúng tôi thay nhau mặc nhưng nước lạnh quá, sóng to quá không còn ai đứng vững được nữa…”, nói đoạn anh Lai cúi mặt xuống và cố giấu đi những giọt nước mắt.

Còn thuyền viên Vũ Viết Hà nghẹn ngào nói: “Khi đó mọi người động viên nhau cố gắng bám trụ để chờ thuyền bạn đến cứu. Cứ thế 2 chiếc áo phao chúng tôi chuyền nhau mặc với hi vọng rằng sẽ sớm có tàu đến cứu. Thế nhưng khi mọi người đã kiệt sức mà vẫn chưa thấy tàu nào đi ngang qua. Đau đớn lắm anh ạ!”.

Những đứa trẻ chắp tay cầu cứu đấng tối cao xin cho mọi sự được bằng yên.
Những đứa trẻ mồ côi.

Chiếc bần phao là chiếc phao cứu sinh cuối cùng của 10 anh em giữa biển mênh mông. Từng ngư dân bắt đầu đuối sức trước trùng trùng sóng gió cao hàng mét dồn dập dội vào...

Nhìn “đồng đội” chìm dần xuống lòng đại dương

Làng Quỳnh ngày cuối tháng 11, trời lạnh căm căm, gió lùa từng cơn. Làng biển An Hòa chìm trong tiếng khóc xé lòng của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con, con mất bố… 

Bà con làng xóm chia buồn cùng các gia đình có người thân mất tại xã An Hòa.
Bà con làng xóm chia buồn cùng các gia đình có người thân mất tại xã An Hòa.

Dù đã có 2 ngư dân trở về thì với người An Hòa vẫn là ngày đại tang. Cả làng có tới 5 sinh mạng ký thác dưới lòng đại dương.

Anh Vũ Viết Hà (SN 1982, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) bàng hoàng nhớ lại: “Khi đó 10 anh em động viên nhau phải cố gắng sống để trở về. Nhưng rồi chúng tôi đuối sức dần. Người khỏe hơn thì cố gắng giữ lấy người yếu, nước biển lạnh lắm, sóng to đánh mạnh quá. Sau khoảng 3 - 4 tiếng ngâm trong nước thì thằng Khiêm bắt đầu cứng người lại rồi chìm và không thấy em nó ngoi lên mặt nước lần nào nữa”. Nói đoạn, anh Hà lại khóc.

Thuyền viên Nguyễn Văn Khiêm là người ít tuổi nhất làm việc trên con tàu định mệnh NA 90249 TS, tròn 16 tuổi. Do gia cảnh khó khăn, Khiêm nghỉ và học theo người thân đi biển. Ngày em cùng mọi người bị sóng đánh chìm, do sức yếu, còn quá nhỏ nên chỉ sau gần 4 tiếng ngâm mình trong làn nước biển lạnh như cắt, Khiêm đuối sức tay không còn giữ được tấm bần phao nữa và chìm xuống trong lòng đại dương.

9 thuyền viên còn lại bất lực nhìn em chìm dần vào nước biển. Lúc đó những người còn lại cũng đã rất yếu, họ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà tự động viên nhau phải cố gắng sống.

“Người thứ 2 chìm là Thế em ruột tôi. Khi thấy nó cứng lại rồi buông tay tôi ra, tôi nhào tới giữ nó lại. Rồi cố đưa nó lên tấm bần phao để cứu nhưng không được”. Thuyền viên Hồ Vĩnh Lai nói trong nước mắt khi kể về giây phút phải chứng kiến đứa em trai mình chìm dần.

Ôm đứa con gái 3 tuổi vào lòng, đến phút này anh Hà mới thực sự tin mình còn sống.
Trước những đau đớn mất mát quá lớn, chị Mai Thị Phượng vợ anh Thế khóc ngất đi. Hai đứa con của anh còn quá thơ dại chúng khóc trước bàn thờ cha.

Phải chứng kiến cảnh những người bạn thuyền, những người thân, người em mình chìm xuống lòng biển lạnh, những ngư dân cả đời gắn bó với biển cả tuyệt vọng vì bất lực.

Ôm đứa con gái 3 tuổi vào lòng, đến phút này anh Hà mới thực sự tin mình còn sống.
Người mẹ già chỉ biết ngồi khóc trong nước mắt khi đợi chờ tin tức con từ biển khơi, khi trên đầu cụ vành tang trắng đã bao phủ.

Đến khoảng 7 giờ tối ngày 28/11 sau gần 15 tiếng chìm ngâm trong nước biển. Thuyền viên thứ 8 là ông Phạm Thanh Ngoan có dấu hiệu cứng lại và không còn giữ được chiếc “phao cứu sinh”.

“Thấy bác Ngoan chìm xuống cả hai chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt. Chúng tôi cố giữ lấy bác ấy nhưng không được nữa. Đúng là đau quá các anh ơi!”, anh Vũ Viết Hà nghẹn ngào.

Nhai cả xốp để giữ cho mình không đông cứng

Chỉ còn lại hai người, anh Hà và anh Lai cố gắng bám thật chặt lấy tấm bần phao, họ cố giữ cho cơ thể mình nổi lên và nhai bất kỳ thứ gì có thể để giữ cho cơ thể mình không bị đông cứng lại. Họ nhai rong biển, xốp, bần, con rạm... bất kỳ thứ gì trôi qua mà họ có thể lấy được.

Thuyền viên Vũ Viết Hà (SN 1982) kể lại những hiểm nguy trên biển.
Thuyền viên Vũ Viết Hà (SN 1982) kể lại những hiểm nguy trên biển.

2 người cố bám sát vào nhau, quyết không để người còn lại buông tay. Sau hơn 30 tiếng trôi dạt trên biển chiến đấu với tử thần, vật lộn với hàng ngàn con sóng biển dữ dội, đến khoảng 15 giờ chiều ngày 29/11, hai thuyền viên bất ngờ nhìn thấy lờ mờ hình dáng một con tàu. Cả hai cùng gào lên: Sống rồi.

Thuyền viên Vũ Viết Hà (SN 1982) kể lại những hiểm nguy trên biển.
Rất đông Hàng xóm láng giềng người thân đến động viên anh Lai, cũng là để chia buồn cùng gia đình thuyền viên Hồ Vĩnh Thế (em ruột anh Lai).

“Khi đó chúng tôi đuối lắm rồi. Chiếc tàu cách vị trí của chúng tôi khoảng 500 - 600m hai anh em gào lên, nhìn nhau rồi hét lên rằng: “Sống rồi! Sống rồi!”, thuyền viên Vũ Viết Hà kể lại giây phút hai người nhìn thấy con tàu của sự sống.

Cả 2 cũng buông tấm bần phao rồi dùng chút sức lực còn lại bơi về phía chiếc tàu đang đánh cá. Chính cái bản năng sinh tồn đã cho họ một sức mạnh phi thường. Sau 30 giờ trôi dạt, đói, lạnh, khát họ vẫn còn vừa đủ những chút sức lực cuối cùng để bơi về phía con tàu, bám vào mạn thuyền và được các ngư dân trên tàu QB 92287 TS do thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành điều khiển cứu sống.

Hai thuyền viên có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân, như một phép nhiệm mầu của biển cả. Nhưng giây phút trùng phùng của họ lại đắng chát trong nước mắt mặn đắng. Vẫn còn 8 ngư dân, 8 mạng người phải nằm lại giữa lòng biển mênh mông.

Nguyễn Tình - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm