Dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công du Nhật Bản
(Dân trí) - Trong chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Shinzo Abe đã thắt chặt quan hệ cá nhân tốt đẹp, tạo dựng quan hệ giữa nội các Chính phủ hai nước, tổng trị giá các giấy phép và thoả thuận hợp tác đầu tư đạt được lên tới gần 10 tỷ USD.
Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong khu vực
Về quan hệ song phương, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, chuyến công tác của Thủ tướng là dịp để hai bên nhìn lại quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt được rất nhiều kết quả thực chất.
Chuyến thăm góp phần thắt chặt quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Shinzo Abe, tạo dựng quan hệ giữa lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước, góp phần tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
“Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; coi trọng Việt Nam trong chính sách khu vực của Nhật Bản, sẵn sàng hợp tác vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.” - Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Hai bên đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trên mọi lĩnh vực chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế… Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tiếp tục chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế vì lợi ích của hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; mong phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đạt thỏa thuận thực chất về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2018, thúc đẩy Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực.
Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, tại các cuộc gặp gỡ song phương và trong Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, các nước khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo trật tự pháp lý ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Các nước ghi nhận những lo ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông và yêu cầu đảm bảo thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu quả, thực chất.
Nhiều cơ hội mới cho Việt Nam
Trong bối cảnh Mekong - Nhật Bản vừa quyết định nâng tầm quan hệ hợp tác lên Đối tác chiến lược, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quyết định này.
Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược thể hiện các nước đánh giá hợp tác Mekong-Nhật Bản thực sự hiệu quả. Các bên cũng thấy được các điểm đồng liên quan đến chiến lược của các bên và gắn trực tiếp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi bên, tức sự kết nối về chiến lược phát triển kinh tế xã hội toàn diện giữa Nhật Bản và các nước Mekong.
Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ đối tác chiến lược, nên việc nâng cấp này bổ sung thêm một khung khổ hợp tác nữa về đa phương, qua đó, thúc đẩy hợp tác đa phương của ta với Nhật Bản và đóng góp cho sự liên kết chung trong khu vực.
“Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản, hàng trăm dự án trị giá hàng chục tỷ USD đã được thực hiện. Suốt 3 năm qua, riêng Nhật Bản đã dành nguồn ngân sách tương đương 7 tỷ USD cho cơ chế hợp tác này, đóng góp cho sự phát triển của các nước Mekong, trong đó có Việt Nam. Các dự án đã triển khai tại Việt Nam cũng rất cụ thể về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng của thể chế, cải tiến các thủ tục của Việt Nam với các nước Mekong thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại...” - ông Lê Hoài Trung cho biết.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tin rằng, việc nâng cấp quan hệ Meokong - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa trong việc tranh thủ các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu...
Châu Như Quỳnh