Dấu ấn 50 hoạt động của Thủ tướng trong 5 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ và UAE
(Dân trí) - Cùng với việc truyền đi thông điệp mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP, Thủ tướng đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác trên nhiều mặt.
Những kết quả nổi bật trong chuyến công tác Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khái quát trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến đi.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao nhận định việc Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp tham dự hội nghị cùng hàng trăm nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, mang ý nghĩa rất quan trọng.
"Việc Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới hay chủ trì các sự kiện đa phương cấp cao đã truyền tải những thông điệp lớn của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế", theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt.
Việc này, theo ông, cũng thể hiện được vai trò, vị thế và tầm vóc của đất nước sau gần 40 năm đổi mới.
Trước bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đề cao trách nhiệm và cam kết trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Theo đó, kể từ COP 26, Việt Nam đã thực hiện 12 biện pháp lớn, toàn diện nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, Thủ tướng đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thu hút sự quan tâm cao và cam kết ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế.
Với vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam tái khẳng định nỗ lực chung tay với cộng đồng quốc tế trong ứng phó.
"Chúng ta không chỉ thể hiện cam kết qua lời nói mà có những hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện các cam kết đó. Trong khuôn khổ COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, trong đó thông điệp chính được gửi đến cộng đồng quốc tế là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể", Thứ trưởng Bộ ngoại giao nói.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh ý nghĩa chuyến công tác của Thủ tướng bởi đây là thời điểm mà Việt Nam và hai nước đang nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, khai thác tối đa tiềm năng hiện có.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam tại khu vực Trung Đông, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực này với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 ước đạt 8,7 tỷ USD.
"Thủ tướng đã có chương trình hoạt động dày đặc, tiến hành trên 20 hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và 30 hoạt động ở UAE. Các bộ, ngành, địa phương cũng triển khai hàng chục hoạt động quan trọng với đối tác ở hai nước", ông Việt thông tin.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm của Thủ tướng là một bước đột phá trong quan hệ hai nước. Sau các cuộc hội đàm, gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên thống nhất mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 4-5 tỷ USD trong thời gian tới.
Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước đã lần đầu tiên trao đổi về khả năng nâng cấp quan hệ lên một khuôn khổ đối tác mới.
Một điều đặc biệt nữa của chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng, theo ông Việt, là việc lần đầu tiên hai bên đã ra Tuyên bố chung đề ra những định hướng lớn, quan trọng, cũng như xác định các lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác, hướng tới nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Tại UAE, lãnh đạo hai bên đã nhất trí một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác như đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA), sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD trong những năm tới.
UAE cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal, thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính, logistics, thể thao…