1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đất nứt tại Hoà Bình, lo cho đập thuỷ điện

Nếu thiết kế đập thuỷ điện Hoà Bình đã tính toán mức độ an toàn cho lõi đập thì việc đất nứt bề mặt sẽ không nghiêm trọng lắm, PGS.TS Đinh Văn Toàn, Trưởng phòng Địa Vật lý, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tình trạng đất nứt và sạt lở ở Hoà Bình cho biết như vậy.

Đất nứt không do động đất

 

Theo PGS.TS Đinh Văn Toàn địa chất khu vực này lớp đất phong hóa dày thuộc hệ tầng núi lửa Việt Nam; rất dễ mất lực liên kết khi gặp mưa, dễ thấm nước và bở.

 

Nghiêm trọng hơn, khu vực này có nhiều vết nứt rộng khoảng 0,5m hoặc hơn; có vết nứt dài đến 50m và máy móc đo đạc được có nơi nứt sâu từ 30-40m. Ở nơi có mật độ nứt đất càng lớn, nguy cơ sạt lở đất bề mặt càng cao. Nhiều nơi tình trạng sạt lở kèm theo cả nứt đất.

 

Theo nghiên cứu, những vết đất nứt này chạy theo hướng những vết nứt cổ từ trước đây để lại. Những vết nứt riêng lẻ này được xếp theo một dải và kéo dài đến vài km. Nếu nhìn trên ảnh vệ tinh có thể thấy rõ, có những gò đồi do đới đứt gãy hoạt động mạnh đã kéo các gò này tách hẳn ra khỏi khối đá vôi ở phía sau, tác động mạnh đến khu vực này gây trượt lở quy mô lớn và tạo thành những vết nứt sâu.

 

Như vậy, việc cư dân quanh vùng phản ảnh có nghe tiếng “rầm” rất lớn, thậm chí đất dưới chân rung lên khi xảy ra nứt đất là hoàn toàn đúng vì lúc đó những đới này đang trong quá trình hoạt động.

 

PGS Toàn cho biết, nguyên nhân của tình trạng đất nứt này là do địa chất khu vực này tồn tại những đới đứt gãy trẻ trong lòng đất. Các đới này luôn hoạt động và dịch chuyển theo thời gian làm phá huỷ đất đá xung quanh đới đứt gãy đó gây nứt trên bề mặt. Còn trong lòng đất, theo máy địa vật lý ghi lại, chúng cũng khiến lòng đất bị băm nát nhiều phương khác nhau theo đới đứt gãy.

 

Hồ Hoà Bình có bị ảnh hưởng?

 

Như vậy, theo ông Toàn khẳng định, nứt đất ở Hoà Bình là do quá trình vận động lâu dài trong lòng đất chứ không phải bị nứt, sạt do ảnh hưởng của động đất. Điều quan trọng là vận động này theo chu kỳ và phá huỷ trong nhiều năm, nó không phá huỷ mặt đất tức thì nhưng đến một lúc nào đó, lòng đất yếu đi không thế trụ nổi được nữa nó sẽ xảy ra.

 

Ông Toàn cho biết, có những nơi nhóm nghiên cứu đo được có ngày nứt vài chục cm nhưng có lúc không nứt một cm nào. Như vậy, nếu có điều kiện để xem chu kỳ hoạt động của đới đứt gãy gây vết nứt, từ đó tính toán thời gian bùng nổ để có biện pháp phòng tránh thì quá tốt.

 

Tuy nhiên, hiện nước ta chưa thể đủ thời gian, điều kiện kinh tế để nghiên cứu chi tiết như thế được. Hiện, theo nghiên cứu của nhóm khoa học này, do đất đã bị nứt sẵn nên chỉ cần xảy ra động đất ở khu vực lân cận, ở đây sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn tùy thuộc độ mạnh của trận động đất đó và xảy ra cách Hoà Bình bao xa. Nếu xảy ra động đất ở ngay khu vực có nứt đất thì mức độ nhỏ cũng gây nguy hiểm lớn.

 

Điều đáng lo ngại là trên mặt đập hồ Hoà Bình, nơi trữ nước lớn nhất cho thuỷ điện Hoà Bình cũng có nhiều vết nứt. Theo ông Toàn, độ rắn của lõi đập mới là quan trọng. Nếu khi thiết kế, người ta đã tính toán mức độ an toàn cho lõi đập thì việc đất nứt bề mặt sẽ không nghiêm trọng lắm.

 

Tuy nhiên, không hẳn như thế là không đáng lo lắng vì theo ông Toàn vào năm 1989, ông được giao nhiệm vụ đo kích thích vùng đất cách đập khoảng 5km về phía hồ trong thời gian tích nước ban đầu thì thấy ngay bản thân của vùng đất này đã phải chịu một lực kích thích khoảng 4,9 độ richter (thời điểm tháng 5/1989).

 

Như vậy, nếu xảy ra tình trạng đất nứt do đới đứt gãy hoạt động ở đây thì việc tiếp tục gia cố, bảo vệ cho hồ Hoà Bình ngay từ bây giờ là rất cần thiết.

 

Theo Mỹ Hà

Gia đình & Xã hội