1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những vết nứt “không đáy” ở Hòa Bình

Từ tháng 3/2008, trên các quả đồi, sườn núi thuộc các xã Nam Phong, Phúc Sạn, Tân Mai của tỉnh Hòa Bình bắt đầu xuất hiện những vết nứt lớn, có chỗ nứt dài hơn 1km và không nhìn thấy đáy.

Người dân ở đây cho biết, khi sụt đất, họ đều có cảm giác mặt đất rung chuyển rất mạnh, hẫng người như đang bị rơi.

 

Đã có rất nhiều nhà dân nghiêng sụt do chấn động như nhà anh Bùi Văn Ninh, nhà chị Đào ở Nam Phong. Anh Ninh kể lại: Cả gia đình anh đang ngủ say bỗng nền nhà rung chuyển. Anh phát hiện gạch dưới nền vỡ toác và tụt xuống. Nghĩ là có động đất, anh vội đánh thức cả gia đình dậy, bỏ chạy ra khỏi nhà trong tâm trạng bấn loạn.

 

Bà Cù Việt Hà - Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ Hoà Bình - cho biết: Tại các khu vực trên, đất phong hoá núi lửa phủ dày nên làm gia tăng cường độ và tần suất xảy ra tai biến sụt trượt, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người dân. Viện Địa chất cũng đã có cảnh báo với lãnh đạo tỉnh Hoà Bình rằng biện pháp an toàn nhất lúc này là di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

Vừa qua, hơn 200 hộ dân ở huyện Mai Châu, Cao Phong đã làm đơn gửi chính quyền địa phương với mong muốn được tạo điều kiện chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống, tránh xa khu vực nguy hiểm.

 

Ngày 20/5, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình - cho biết: Ông đã có chỉ đạo yêu cầu các cấp chính quyền, đơn vị chức năng phải nhanh chóng đưa người dân trong vùng xung yếu ở các xã Phúc Sạn, Tân Mai huyện Mai Châu ra khỏi vùng nguy hiểm. Lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình cũng đã vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đề xuất cho người dân tại các vùng bị lún sụt đồi núi vào tỉnh này làm ăn kinh tế.

 

Theo Gia đình & Xã hội