Đặt mình vào vị trí người lao động yếu thế, mới thấy xót xa!
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi được trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, đã không nhận được sự đồng tình của dư luận CNVCLĐ. Ngay cả các thành viên của cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.
- Thưa Chủ tịch, đồng chí có đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo phương án 1 tại tờ trình của Chính phủ?
- Tuyệt đại đa số công nhân mà tôi tiếp xúc họ đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ.
Tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà người lao động đang làm, nên thực hiện đúng theo Điều 187 Bộ luật Lao động. Do đó, tôi không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
- Tại sao bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động, thưa Chủ tịch?
- Trên lý thuyết, các chế độ, chính sách BHXH của ta rất hay, rất nhân văn, rất hấp dẫn. Nhưng thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều phiền hà cho người lao động.
Khi người lao động lãnh lương hàng tháng là họ đã đóng BHXH rồi, nhưng người sử dụng lao động chưa nộp hoặc không nộp cho cơ quan BHXH thì người lao động lại không được hưởng các chế độ mà họ phải hưởng theo quy định của luật, hoặc sau đó còn rất nhiều thủ tục nhiêu khê để được hưởng.
Nếu không bắt buộc, họ sẽ không tham gia và họ thấy BHXH tự nguyện chưa có lợi cho người lao động, nên chưa thu hút được đông người lao động tự nguyện tham gia.
- Xin Chủ tịch cho biết tiền lương đóng BHXH hiện nay dựa trên lương thực tế hay lương ghi trên hợp đồng?
- Hiện tại cán bộ công chức, công nhân ở các doanh nghiệp nhà nước đều đóng BHXH trên lương thực tế, nhưng công nhân nhất là công nhân dệt may da giày làm việc ở khu vực ngoài nhà nước đều đóng BHXH hầu như trên lương tối thiểu ghi trên hợp đồng, nên rất thiệt thòi cho người lao động.
Tại sao chúng ta lại tiếp tục để người lao động thiệt thòi thêm 3 năm nữa? Tại sao không áp dụng Điều 90 của Bộ luật Lao động? Đáng lẽ Luật BHXH là luật nhánh của Bộ luật Lao động nên phải tuân thủ các điều của Bộ luật Lao động chứ?
Sao các nhà làm luật chỉ "xót" cho người sử dụng lao động không đóng nổi BHXH, mà không nghĩ đến những thiệt thòi của người lao động yếu thế khi phải tiếp tục đóng BHXH trên lương tối thiểu thêm 3 năm nữa? Các nhà làm luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa!
- Không tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn đến "vỡ quỹ BHXH". Chủ tịch nghĩ sao về ý kiến này?
- Theo tôi, không cần tăng tuổi nghỉ hưu, nếu quản lý tốt tiền của người lao động, hãy tiết kiệm và quản lý quỹ như một ngân hàng thì chắc chắn sẽ không vỡ quỹ!
Tôi khẳng định sẽ không vỡ quỹ BHXH. Tôi sẵn sàng gặp gỡ để trao đổi, tranh luận và chứng minh lập trường của mình với những ai nói rằng sẽ vỡ quỹ!
- Chủ tịch có đồng tình với Ban soạn thảo điều chỉnh thời gian đóng BHXH từ 15 năm lên phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH?
- Điều này lại cũng vô lý nữa, người lao động đã gặp muôn vàn khó khăn khi nghỉ hưu nên đừng để họ thiệt thòi hơn nữa mà hãy giữ nguyên 15 năm đóng BHXH hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH, tôi không đồng tình tăng lên 20 năm.
- Vậy, còn chi phí quản lý BHXH tối đa bằng 3% số thu BHXH?
- Dựa vào cơ sở nào mà chi quản lý tới 3% số tiền đóng BHXH của người lao động? Các ngân hàng thương mại họ nhận tiền gửi tiết kiệm của dân họ đâu có thể lấy của dân 3% được? Tôi chưa đồng tình với 3% này.
Đáng ra ngân sách nhà nước phải chi trả cho bộ máy quản lý này, để toàn bộ số tiền người lao động đóng để chi trả lại tất cả cho người lao động. Có như vậy BHXH mới hấp dẫn, mới thu hút được người lao động tham gia.
Theo tôi, để thu hút BHXH được mọi người tham gia thì phải chứng minh cho dân thấy tham gia chỉ có lợi do đó nên sử dụng ngân sách chi cho bộ máy quản lý, không nên lấy tiền của người lao động để chi cho bộ máy quản lý.
- Về kết dư của BHXH ngắn hạn hiện nay trên 31.000 tỉ đồng, theo Chủ tịch nên xử lý thế nào?
- Trước đây, khi tổ chức công đoàn còn quản lý quỹ BHXH chi cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu còn kết dư thì chi cho sự nghiệp nghỉ ngơi, dưỡng sức tái tạo sức lao động cho người lao động, hoặc bồi dưỡng tại chỗ, hoặc chi cho chăm sóc con em công nhân lao động, hoặc chi cho bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
Do đó, theo tôi số kết dư này nên chi cho người lao động chứ không nên đưa vào quỹ hưu trí.
- Xin cảm ơn Chủ tịch!
Theo TS
Lao Động