1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đặt hàng”, “đấu thầu” sẽ xuất khẩu lao động tốt

(Dân trí) - Những thị trường có thu nhập cao và tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia... đang đòi hỏi nguồn lao động Việt Nam có tay nghề cao. Vừa qua, Bộ LĐTB-XH đã phê duyệt đề án thí điểm đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp và người lao động bởi được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu. Về vấn đề này, báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước.

Bà nhận định thế nào về trình độ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay?

Lao động xuất khẩu của ta hầu hết là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo hoặc tay nghề thấp. Cho đến những năm gần đây, dù đã có chuyển biến nhưng tỉ lệ người lao động đi làm vịêc ở nước ngoài có nghề mới chỉ chiếm khoảng 30%.

Trong khi đó, xu hướng chung của phần lớn các thị trường đều có nhu cầu về lao động có tay nghề, ngay cả các thị trường nhận nhiều lao động như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông.

Đặc biệt, những thị trường có thu nhập cao và tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Đông Âu) thì ngoài có tay nghề người lao động còn phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định.

Theo bà, sự khập khiễng giữa trình độ lao động và nhu cầu thực tế sẽ phải đổ lỗi do đâu?

Các doanh nghiệp của ta hiện gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc tuyển chọn nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với những thị trường tiếp nhận lao động giản đơn, lao động trình độ tay nghề thấp thì thu nhập thấp, dễ gặp rủi ro nên không hấp dẫn doanh nghiệp và bản thân người lao động.

Đối với những thị trường đòi hỏi lao động có trình độ tay nghề thì hầu như doanh nghiệp XKLĐ của chúng ta còn bị động trước những đơn hàng do nguồn tuyển không đáp ứng được yêu cầu của nước tiếp nhận.

Một vấn đề nữa là việc gắn kết giữa đào tạo nghề và XKLĐ thời gian qua còn nhiều bất cập, cơ sở dạy nghề không nắm được nhu cầu để đào tạo, còn doanh nghiệp XKLĐ thì không tìm được lao động đạt trình độ tay nghề theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Và đó chính là lý do khiến Cục Quản lý lao động ngoài nước tính tới một giải pháp...?

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xây dựng đề án thí điểm đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng đấu thầu giai đoạn 2008 - 2010 và đã được Bộ LĐTB-XH phê duyệt.

Đề án được xây dựng mô hình, cơ chế gắn kết giữa dạy nghề với XKLĐ nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước tiếp nhận lao động.

Xin bà cho biết, làm thế nào để chất lượng lao động đầu ra được đào tạo theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu đảm bảo yêu cầu?

Để đảm bảo chất lượng đầu ra, tuỳ theo đối tượng người lao động để tiến hành đào tạo theo các hình thức sau: Bồi dưỡng; nâng cao tay nghề; đào tạo từ đầu; bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, những đối tượng đặt hàng, đấu thầu phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh về năng lực, chất lượng, hiệu quả và kinh phí đào tạo.

Và để đề án được triển khai có hiệu quả, Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ cùng các đơn vị thường xuyên giám sát việc đào tạo của các cơ sở dạy nghề và tuyển chọn của các doanh nghiệp XKLĐ phát hiện những vướng mắc, hạn chế và tìm giải pháp xử lý kịp thời.

Xin cám ơn bà!

Phương thức thực hiện đề án:

Trước mắt trong năm nay sẽ thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, mỗi gói thầu cho một khoá đào tạo (khoá học). Năm 2009 và năm 2010 có thể tổ chức thực hiện theo phương thức đấu thầu đối với một số gói thầu.

Đối tượng tham gia:

- Các cơ sở dạy nghề (công lập, ngoài công lập trên phạm vi cả nước, bao gồm cả cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp) đáp ứng yêu cầu của bên đặt hàng.

- Các doanh nghiệp XKLĐ:

+ Có đơn hàng tuyển lao động các nghề phù hợp với đề án. + Có cam kết với cơ sở dạy nghề đưa số lao động sau đào tạo đi làm việc ở nước ngoài.

Lan Hương