Đánh giá không đầy đủ sẽ gây tổn hại các loài cá ở sông Mê Công
(Dân trí)- "Chỉ cần một đập thủy điện được xây dựng trên nhánh chính hạ lưu sông Mê Công sẽ làm gián đoạn đường di cư của nhiều loài cá cũng như gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người dân sinh sống tại lưu vực sông Mê Công."
Nhận định này được đưa ra bởi WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên). Báo cáo theo ủy nhiệm của WWF, thực hiện bởi Trung tâm Thuỷ sản Thế giới với sự tham gia của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ ra rằng bản Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) đối với đập Xayaburi (Lào) không phù hợp và không đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xayaburi là đập đầu tiên trong số 11 đập đang chờ xét duyệt để được xây dựng tại nhánh chính hạ lưu sông Mê Công. Các nước trong khu vực sẽ đưa ra quyết định về khả năng dự án có được tiến hành hay không vào ngày 22 tháng 4 tới. Báo cáo cho thấy EIA đã bỏ qua những nghiên cứu đã được xuất bản và chỉ dựa vào một chuyến khảo sát thực địa ngắn ngủi – chỉ có thể nghiên cứu được chưa đến 1/3 độ đa dạng sinh học của khu vực. EIA chỉ nêu tên 5 loài cá di cư từ một danh sách được biên soạn từ năm 1994 và chỉ tham chiếu 3 trong số hơn 28 ấn phẩm nghiên cứu về vấn đề này. Ngược lại, những nghiên cứu hiện nay cho thấy có 229 loài cá coi khu vực thượng lưu sông là nơi sinh sản và/hoặc lánh nạn vào mùa khô, 70 loài trong số đó là loài di cư.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các đề xuất đường đi dành cho cá đã không tuân theo quy định về thiết kế, thiếu trầm trọng nhiều chi tiết như đường đi cụ thể dành cho một số loài mục tiêu và có nhiều đoạn dốc và bậc, không những không phù hợp với các loài sông Mê Công mà đến cả cá hồi, không sinh sống tại sông Mê Công và là loài có khả năng bơi và nhảy mạnh hơn hầu hết các loài di cư ở khu vực, cũng là một sự thách thức.
“Thiết kế phương thức đường di cư dành cho cá mà không tính đến đặc tính sinh học và nhu cầu của các loài mục tiêu, mà ở đây là bao gồm rất nhiều loài từ những loài cá nhỏ như cá chép bùn Siamese, hay loài Pa Soi đến những loài dài 3 mét như cá da trơn cỡ lớn.” - Tiến sỹ Jian-huaMeng, Chuyên gia Thủy điện Bền Vững, WWF Quốc tế nói. “Thang vượt (fish ladders) cho cá theo như thiết kế đề xuất đã thành công ở một số nước Châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng tại những nước này, chỉ có một số rất ít các loài di cư và hầu hết thuộc họ cá hồi.” Báo cáo nhận định: rất nhiều nghiên cứu cũng kết luận rằng giải pháp đường đi cho cá tại các đập xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mê Công không hề khả thi đối với các loài di cư tại đây, và “không thể lấy sông Mê Công làm trường hợp thử nghiệm” đối với các giải pháp đường di cư cho cá.
WWF lo ngại rằng mức tàn phá về môi trường do các đập xây dựng trên dòng chảy chính sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì đập sông Mun tại Thái Lan, một nhánh phụ của sông Mê Công gây ra. Tương tự, trước khi xây dựng, người ta dự đoán mức độ ảnh hưởng đối với các loài cá là không đáng kể. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ủy ban Quốc tế về Đập, sau thập kỷ đầu tiên vận hành, mức độ ảnh hưởng đối với cá là 85% so với trước kia, cùng với sự biến mất của 56 loài và sản lượng đánh bắt của 169 loài bị suy giảm.
Hiện nay, quá trình lấy ý kiến về xây dựng đập Xayaburi được tiến hành trong bối cảnh thông tin liên quan tới dự án không đầy đủ. Nghiên cứu tính khả thi thực hiện từ năm 2008 bởi công ty Tư vấn TEAM, Thái Lan kết hợp với công ty AF-Colenco của Thụy Sỹ nhưng đến tháng 2 năm nay mới công bố. Tương tự, Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) được thực hiện tháng 8 năm 2010 nhưng chỉ vừa được công bố tháng 3 năm 2011.
WWF ủng hộ việc hoãn xây dựng đập, trong đó có đập Xayaburi, trên dòng chảy chính hạ lưu sông Mê Công trong vòng 10 năm tới nhằm đảm bảo tất cả các tác động của việc xây dựng và vận hành đập được đánh giá một cách toàn diện. Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, WWF khuyến khích thực thi các dự án thuỷ điện bền vững trên một vài phụ lưu lựa chọn.
P .T