Cần Thơ:

Đập hàng loạt lan can cầu để... xe "sếp" đi qua?

(Dân trí) - Cần Thơ mấy ngày gần đây đang xôn xao vụ 7 chiếc cầu bê tông trên tuyến đường liên xã, đoạn qua xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ bị đập gần đứt phần chân lan can cầu, nghiêng dạt ra hai bên để xe ô tô có thể qua. Theo dư luận, trong đó có xe của một vị “quan”.

Những lan can cầu đã bị chính quyên đập lan can cho dạt ra bên.
Những lan can cầu đã bị chính quyên đập lan can cho dạt ra bên.

Ngày 2/8, phóng viên Dân trí có mặt tại tuyến đường trên để tìm hiểu sự việc thì được biết, đoạn đường được nói tới dài khoảng 4 km, lộ giới ngang 3 m và mặt cầu rộng khoảng 2 m. 7 trong số 8 cây cầu ở đoạn đường này đã bị phá lan can, đang được sửa chữa bằng cách dùng vữa trám lại chân trụ lan can đã bị đục trước đó.

Những cây cầu đã bị phá vỡ kết cấu
Những cây cầu đã bị phá vỡ kết cấu

Bà Chín Diệu nhà ở ấp Bình Thạnh, gần cây cầu bị đập lan can, cho biết, những chiếc cầu này bị đập lan can cách đây khoảng 3 tháng. Trước khi đập, chính quyền địa phương không thông báo và cũng không họp dân, chỉ khi đang đập, người dân ra hỏi lý do thì được lãnh đạo địa phương cho biết, đập để xe cấp cứu, xe taxi vào được tận nhà dân.

Chiều 2/8, những trụ lan can cầu đã được địa phương cử người đến trám xi măng lại
Chiều 2/8, những trụ lan can cầu đã được địa phương cử người đến trám xi măng lại

Một người dân sống ngay đầu cầu tại ấp Bình Thạnh kể: “Hôm đó tôi thấy ông Trưởng ấp chỉ huy gần chục người dùng búa đập vỡ hết phần bê tông của các trụ lan can cầu, chỉ chừa lại cốt sắt. Họ bảo làm vậy để mở rộng cầu cho ô tô đi lại thuận tiện. Nhưng tuyến đường này rất ít ô tô lưu thông, trong xã cũng không ai có ô tô, trừ một cán bộ làm trên huyện”.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ấp Bình Thạnh, nói: “Theo chủ trương nới rộng cầu của lãnh đạo xã, tôi đã huy động lực lượng đập bỏ phần lan can cầu, sau đó đẩy dạt ra hai bên, nhờ vậy mà bây giờ ô tô con đi lại rất dễ”.

Ông Hùng cũng cho biết, trên tuyến đường qua ấp Bình Thạnh có 4 chiếc cầu được “cơi nới”, mở rộng bằng cách đẩy dạt lan can ra hai bên. Một chiếc khác cũng với cách làm tương tự, nhưng nằm trên địa bàn ấp Thới Thạnh (xã Giai Xuân).

“Bà con ở đây thường hay đau ốm, phải mở rộng cầu thì taxi mới vào chở đi cấp cứu được”, ông Hùng nói.

Đập lan can cầu để ô tô đi qua

Chúng tôi đưa ra thắc mắc của người dân, liệu có phải việc đập lan can cầu là để phục vụ xe ô tô của một cán bộ huyện? Ông Hùng khẳng định nói như vậy là không đúng, "chúng tôi mở rộng cầu là theo nguyện vọng của bà con".

Ông Huỳnh Đương Quang, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, cho biết, việc đập phá lan can, mở rộng cầu đã được tập thể Đảng ủy, UBND xã trao đổi và thống nhất. Chỉ thống nhất chứ không ra văn bản. Theo ông Quang, xã làm vậy là vì nhu cầu của người dân, nhất là những trường hợp bệnh nặng, người dân rất cần ô tô chạy vào đưa đi cấp cứu.

Liên quan đến vị cán bộ huyện được cho là có xe ô tô hay đi qua cung đường này, trả lời báo chí, vị cán bộ này nói mình không có xe ô tô và đang bị hiểu lầm.

Lan can cầu được đập dạt ra thành hình chữ V
Lan can cầu được đập dạt ra thành hình chữ V

Liên quan đến vụ việc trên, chiều 2/8, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, nói: “Đúng ra đây là chuyện của huyện, bởi tôi mới biết thông tin trên báo chí. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, sai rõ ràng rồi. Cái kiểu bẻ lan can như thế là không chấp nhận được, dù viện bất cứ một lý do nào! Dù là để ô tô cấp cứu vào thì cũng không thể bẻ lan can.

Cán bộ nào chỉ đạo làm chuyện này phải kiểm điểm và có một thái độ rõ ràng! Đây là công trình phục vụ nhân dân, phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khi người ta đi gần mé cầu, loạng choạng còn có chỗ người ta nắm vịn cho chắc. Cái cầu như vậy thì sao coi cho được? Tôi không đồng ý mọi lời giải thích...”.

“Quan điểm của tôi rất dứt khoát, người nào làm là sai. Huyện phải kiểm tra, xử lý. Nếu có dính đến cán bộ trong đó nữa thì càng phải thành khẩn. Sai thì phải sửa!” - ông Tâm nói thêm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Phạm Tâm

.