1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Đào rừng đã ngập phố

(Dân trí) - Từ nhiều ngày nay, đường Nghi Tàm, Âu Cơ… đã tràn ngập đào rừng từ Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình chở về. Việc năm nay đào Hà Nội gặp cảnh rét đậm, rét hại kéo dài càng tạo ra khả năng đào rừng thắng thế.

Đào rừng hét giá

Luôn tay chỉ đạo nhóm nhân viên đang hạ thổ mấy gốc đào Tây Bắc xuống hố, vợ chồng anh chị Dũng - Hoa, chủ hàng trăm gốc đào rừng tại đây, giới thiệu với hết lượt khách này đến lượt khách khác về giá trị cũng như vẻ đạp tự nhiên thuần khiết vốn có của loại đào miền ngược.

Nếu có vị khách nào tỏ ra hồ nghi với sức sống của những gốc đào ấy, ngay lập tức, họ khẳng định chắc nịch bằng một từ rất chuyên môn, rằng những gốc đào này đã “bật kim” nên không việc gì phải băn khoăn về những giá trị đích thực của mùa xuân sắp hiện hữu trên từng cành khô khốc ấy...

Đào rừng có 2 loại: đào mốc và đào phai. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ ít, mập, hoa hồng nhạt. Loại đào này mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có lớp rêu phủ. Loại thứ hai là đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng.

Nhưng dù rất niềm nở với tất thảy mọi người, cái giá mà các chủ đào đưa ra cũng rất… “chát”. Một cành đào rừng mốc “có dáng” thì giá lên tới 7-8 triệu đồng. Cành trung bình cũng có giá 2-2,5 triệu đồng. Cành rẻ nhất khoảng 500.000 đồng, tức là đắt gấp 3-4 lần đào cành Nhật Tân, Phú Thượng.

Nổi bật giữa vườn đào là ba gốc đào mốc Sơn La được quảng cáo là cổ thụ, cao hơn 3m, thân cây mốc meo - to cỡ vòng đùi, điểm xuyến những nụ phớt hồng cùng vô khối chồi xanh lộc biếc, với bảng giá được niêm yết trên thân cây từ 18 tới 20 triệu đồng cây.

Có mặt tại vườn đào rừng trên đường Nghi Tàm, một tư thương ở Hải Phòng cho biết theo quan niệm của nhiều người, nếu đầu năm có cây “cổ thụ” trong nhà thì sẽ có đủ cả 3 điều: “Phúc - Lộc - Thọ”.

Cũng theo cảm nhận của vị khách này, đào rừng đẹp hơn đào Nhật Tân, Phú Thượng ở chỗ là loại đào cổ thụ. Hoa đằm thắm hơn. Cành chắc và khoẻ hơn, đặc biệt mang vẻ rêu phong, xù xì. Giá trị của những cành đào thế còn ở chỗ đã qua thời gian sương gió. Nhiều cành còn nguyên dây leo, rêu đeo bám.

Đào rừng đã ngập phố - 1
  

 

Đào rừng còn nguyên đai nguyên kiện.

Tuy nhiên, theo một dân chơi đào rừng sành sỏi tại Hà Nội, thời gian này chưa thích hợp cho việc mua đào rừng bởi đây mới chỉ là những gốc đào rừng đầu tiên tại thị trường Hà Nội. Các lái buôn đào rừng vẫn đang lùng sục tại các bản làng xa xôi của vùng Tây Bắc và hai, ba ngày tới mới thực sự là thế giới của đào rừng…

Thời điểm hiện nay, các chợ mua bán đào rừng đã hình thành dọc theo các tuyến quốc lộ lên khu vực Sapa, Mẫu Sơn, mua một cây đào tại Sapa, Mẫu Sơn chỉ mất có 120.000 - 150.000 đồng.

Thậm chí, nếu “khéo ăn khéo nói” và biết cách cư xử, đồng bào vùng cao sẵn sàng cho không những cây đào rừng mà khi về tới Hà Nội cũng có giá tới gần chục triệu đồng. Siêu lãi như vậy nên mỗi ngày vẫn có hàng chục chuyến xe khuân đào từ miền Tây Bắc xa xôi "đổ bộ" về Hà Nội.

Trái ngược với sự ồ ạt của đào rừng, đào Nhật Tân đang ngậm nụ hàng loạt. Những gốc đào được coi là “hàng khủng” nhất tại đây, cũng chỉ dám “chém” với giá 10 - 15 triệu đồng, bằng phân nửa so với những gốc đào rừng Sơn La.

Đấy là mua “đứt” gốc (gốc đào thuộc về người mua), còn với giá 7 - 8 triệu, thì người mua chỉ được quyền mượn chơi những ngày Tết và ngày rằm tháng Giêng phải trả lại!

Đương nhiên, những gốc đào rừng đầu tiên về phố ấy có quyền hét giá thoải mái đến vậy bởi chỉ vài ba hôm nữa, ngay giữa Hà thành, những chợ đào rừng sẽ ung dung, ê hề góp mặt giữa phố phường, cạnh tranh cùng trăm thứ hoa đón xuân thì giá cả chắc sẽ hạ đi đáng kể.

“Tha hồ... phá rừng”

Trào lưu chơi đào cảnh hiện nay là càng to càng cao giá. Cứ như thể là phải chơi thứ cây cảnh lớn hơn, tầm vóc hơn mới thể hiện được cái tư tưởng chủ đạo của thú chơi cây cảnh là muốn “dồn cả thiên địa vào một thế cây, đem cả thiên nhiên về làm cảnh nhà mình”!

Vì thế theo như lời của các lái buôn đào rừng, chính cái ý nghĩa mang tính “thời thượng” này đã “đẻ” ra cơn sốt khai thác cây đào cổ thụ.

Đào rừng đã ngập phố - 2
  

 

Xếp hàng dài chờ hạ thổ.

Những ngày áp tết này, người Hà Nội lại có thêm cái thú đi tìm mua đào rừng nơi miền cao. Hơi cầu kỳ một chút nhưng đã thành cái hẹn, trước tết bao giờ Thanh (công tác tại 1 viện nghiên cứu ở Hà Nội) cùng nhóm bạn cũng bố trí bằng được một chuyến ngược lên mạn Sơn La, hoặc Lào Cai, Yên Bái… để lùng mua đào rừng.

Tận dụng ưu thế từng nhiều năm lăn lộn công tác trên những cung đường Tây Bắc nên Thanh đương nhiên là trưởng đoàn. Chuyến đi năm ngoái lên Sapa, bạn bè đã một phen được mở tầm mắt khi được anh dẫn đến những thung lũng đào cổ thụ rất lớn và nổi tiếng ở Tả Phìn, San Sả Hồ, Ô Quy Hồ…

“Nhưng cũng xót xa lắm khi tận mắt phải chứng kiến những gốc đào đã có hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ rồi đem về thị trấn bán. Cánh lái buôn từ Hà Nội lên chỉ việc chất đống lên xe rồi ung dung đem về Hà Nội… hốt bạc” - Mai, vợ Thanh, một thành viên trong đoàn đi than thở.

Trong dịp đi công tác lên Mộc Châu (Sơn La), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cách đây chưa lâu, chúng tôi được chứng kiến cảnh những khu rừng đào cổ thụ bị chặt phá la liệt. Cả khu rừng đào chỉ còn lởm chởm những gốc, thậm chí, nhiều cây đã bị khoét cả phần rễ.

Khoảng thời gian trước tết chừng 1 vài tháng, trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải vào rừng vận chuyển cành đào về xuôi mà không gặp phải trở ngại nào. Trên thực tế, khi đào đã ra khỏi rừng thì khó có thể xử lý được, bởi đào rừng không phải là loại gỗ quý hiếm.

Đối với nhiều gia đình miền núi, chỉ cần bán được 1 vài cây đào là có thể sẽ có đủ tiền lo cho 1 cái tết tươm tất. Còn với người miền xuôi, thú chơi đào rừng trong dịp tết cũng là nhu cầu chính đáng mỗi độ Xuân về.

Song, nếu như các địa phương không có các biện pháp quy hoạch, khai thác hợp lý, chỉ vài năm nữa những cây đào rừng - nét đặc trưng của cảnh quan, văn hoá vùng cao sẽ không còn nữa.

Phúc Hưng