Quảng Ngãi:

Đảo "khát" đợi dự án cấp nước đủng đỉnh sửa thiết kế

Quốc Triều

(Dân trí) - Đảo Lý Sơn ngày càng "khát" nước ngọt. Trong khi đó, thời gian hoàn thành dự án trữ và cấp nước phải kéo dài từ 3 năm lên 6 năm. Lý do là dự án này vừa thi công vừa… sửa thiết kế.

Dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có tổng vốn 75 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án triển khai thực hiện từ 2017 - 2020.

Dự án bao gồm 2 hồ chứa, đường ống dẫn, cấp nước. Mục tiêu ban đầu của dự án là cấp nước sinh hoạt cho 1.000 người, và cấp nước tưới tiết kiệm cho 80 ha đất nông nghiệp.

Đảo Lý Sơn thường xuyên rơi vào tình trạng "khát" nước ngọt, vì vậy tỉnh Quảng Ngãi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án được triển khai. Tuy nhiên, dù đã quá thời gian thực hiện nhưng dự án này mới hoàn thành một hồ chứa. Khối lượng còn lại chưa biết đến khi nào hoàn thành bởi dự án được thực hiện theo kiểu vừa làm vừa… sửa thiết kế.

Đảo khát đợi dự án cấp nước đủng đỉnh sửa thiết kế - 1

Sau hơn 3 năm chủ đầu tư chỉ xây dựng được 1 hồ chứa, phần còn lại phải xin thay đổi thiết kế và xin kéo dài thời gian thêm 3 năm.

Theo thiết kế được phê duyệt lần đầu, dự án có 2 hồ chứa, trong đó có một hồ rộng 30.000 m2 nằm hoàn toàn trên đất trồng hành, tỏi. Chính quyền địa phương cho rằng, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ít, do đó làm hồ chứa chiếm diện tích quá lớn là không phù hợp. Vì vậy, khi hồ chứa thứ nhất hoàn thành, huyện tạm thời dừng thi công để xin điều chỉnh dự án.

Theo đó, UBND huyện đề xuất bỏ hồ chứa rộng 30.000 m2 như thiết kế ban đầu. Thay vào đó, xây thêm một hồ chứa gần vị trí hồ số 1 đã hoàn thành, và một hồ mới tại chân núi Giếng Tiền. Huyện Lý Sơn cũng xin kéo dài thời gian thực hiện dự án đến tận năm 2023.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận, thiết kế ban đầu của dự án không phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh. Điều này là nguyên nhân chính khiến dự án kéo dài.

 "Dự án đang được tỉnh xem xét, ra quyết định điều chỉnh. Quá trình điều chỉnh dự án khá nhùng nhằng, mất nhiều thời gian dẫn đến chậm tiến độ", ông Việt nói.

Điều đáng quan tâm là, sau khi điều chỉnh, tổng dung tích các hồ chứa chỉ còn khoảng 60% - 70% so với thiết kế ban đầu. Điều này dẫn đến số người và diện tích đất được cấp nước cũng giảm theo. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên ở mức 75 tỷ đồng.

Đảo khát đợi dự án cấp nước đủng đỉnh sửa thiết kế - 2

Một công trình quan trọng lại được thực hiện theo kiểu vừa thi công vừa sửa thiết kế làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của dự án.

Đảo khát đợi dự án cấp nước đủng đỉnh sửa thiết kế - 3

Túi nước ngọt của đảo Lý Sơn bị xâm nhập mặn ngày càng nhanh, tình trạng thiếu nước ngọt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân huyện đảo. Thế nhưng, một dự án quan trọng như Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp lại rơi vào tình cảnh vừa làm vừa sửa thiết kế. Điều này làm dấy lên nghi ngại về hiệu quả của dự án này, giống như nhiều người từng lo ngại hiệu quả của hệ thống cấp nước sinh hoạt được xây dựng trước đó.

Năm 2018, hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện đảo Lý Sơn được đưa vào sử dụng. Hệ thống gồm 7 giếng khoan, 7 trạm bơm và nhiều công trình phụ trợ với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng.

Với công suất thiết kế 1.000 m3 ngày/đêm, hệ thống được kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho 1.457 hộ dân. Tuy vậy, hệ thống lọc nước tiền tỷ không phát huy hết hiệu quả do các giếng khoan đều cạn hoặc nhiễm mặn. Nhiều năm qua, hệ thống chỉ có thể cung cấp nước cho khoảng 600 hộ dân, chưa bằng 50% so với mục tiêu đầu tư.