Quảng Ngãi:
Có nhà máy nước 30 tỷ đồng, người dân vẫn khát nước sạch
(Dân trí) - Hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Lý Sơn có vốn đầu tư lên đến 30 tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả. Dù vậy, mỗi năm huyện phải chi 580 triệu đồng để duy trì hoạt động hệ thống này.
Năm 2018, hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được đưa vào sử dụng. Hệ thống gồm 7 giếng khoan, 7 trạm bơm và nhiều công trình phụ trợ với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng.
Với công suất lọc 1.000 m3 ngày/đêm, hệ thống được kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho 1.457 hộ dân. Tuy vậy, hệ thống lọc nước tiền tỷ không phát huy tác dụng giải cơn khát nước sạch của người dân.
Chị Nguyễn Thị Lý (huyện Lý Sơn) cho biết, huyện đảo thường xuyên thiếu nước ngọt vào mùa nắng. Người dân phải khổ sở với tình cảnh thiếu nước, hoặc mua nước giá cao. Đầu năm 2018, chính quyền thông báo hệ thống cấp nước đi vào hoạt động với mức giá bán nước ưu đãi nên ai cũng vui mừng. Có điều, càng hy vọng bao nhiêu thì sau đó lại thất vọng bấy nhiêu bởi chỉ một số ít hộ dân được cấp nước.
“Hiện giờ chỉ một ít nhà dân ở gần nhà máy nước mới được cung cấp nước ngọt. Những nhà xa hơn phải sử dụng giếng khoan thường xuyên nhiễm mặn hoặc mua nước với giá 20.000 đồng/m3. Có nhà máy nước sạch mà người dân vẫn thường xuyên thiếu nước”, chị Lý cho biết.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức, hệ thống đường ống đã được lắp đặt đến tận nhà nhưng không có nước sử dụng khiến người dân bức xúc. Cách đây hơn một năm nhiều nơi có nước nhưng không sử dụng được bởi nước quá mặn.
“Nước giếng của chúng tôi nhiễm mặn hết nên ai cũng trông chờ vào nước máy. Thế mà nước máy lúc có lúc không, nhiều lúc còn mặn hơn cả nước giếng khoan nên không thể sử dụng được”, ông Đức nói.
Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, hiện chỉ có khoảng 600 hộ dân được cấp nước sạch, ít hơn nhiều so với con số 1.457 hộ theo thiết kế ban đầu.
Về nguyên nhân, ông Thành cho biết, hầu hết các giếng khoan đều nhiễm mặn, một số giếng cạn kiệt nguồn nước. Điều này khiến công trình không thể phát huy hiệu quả. Không chỉ vậy, mỗi năm huyện Lý Sơn phải chi hơn 580 triệu đồng để duy trì hoạt động của hệ thống.
“Hệ thống cấp nước này do nhà nước quản lý, giá nước bán cho các hộ dân là giá được nhà nước phê duyệt, nhằm hỗ trợ người dân, không phải giá kinh doanh. Do đó, hàng năm chính quyền phải hỗ trợ kinh phí để trả lương cho người lao động vận hành hệ thống”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, khó khăn lớn nhất là nguồn nước ngầm trên đảo sụt giảm nghiêm trọng, túi nước ngọt bị nhiễm mặn. Do đó, hệ thống giếng khoan cũ không phát huy tác dụng. Hiện huyện Lý Sơn đã có kế hoạch khảo sát, tìm những vị trí thuận lợi xây dựng thêm một số giếng mới cung cấp nước cho người dân.
“Hiện còn khoảng 800 hộ dân cần cung cấp nước sinh hoạt. Huyện đã xin chủ trương khảo sát, xây dựng thêm một số giếng khoan mới để đưa nước vào hệ thống cấp cho người dân”, ông Thành nói thêm.
Quốc Triều