Đào đường không lấp, phạt cũng không nộp!

(Dân trí) - Đào đường xong không lấp, hoặc lấp đất đá sơ sài, tái lập mặt đường không đúng hiện trạng ban đầu… là chuyện thường ngày ở TPHCM, khiến hiện trạng những con đường xấu thảm hại.

Đào: không lấp. Phạt: không nộp!

 

Hai năm trước, khi khởi công công trình lắp đặt tuyến ống dẫn nước của nhà máy nước BOO Thủ Đức, các hộ dân dọc Xa lộ Hà Nội đã chấp nhận cảnh đào hào chắn lối vào nhà vì lợi ích toàn TP. Nhưng khi công trình kết thúc, Xa lộ Hà Nội lại bê bết hơn trước.

 

Khi lắp đặt ống nước xong, đơn vị thi công chỉ lấp sơ sài vài xe đất, hệ thống mương nước cũ cũng bị lấp bít lại, phần đường dành cho xe 2 bánh thì tan nát, đầy ổ gà, đất cát… 

 

Đại diện Khu Quản lý Giao thông đô thị 2 cho biết: Khu 2 chưa tiến hành sửa chữa, duy tu con đường này là vì đang khiếu kiện buộc đơn vị thi công phải tái lập lại mặt đường cho đúng nguyên trạng. Nhưng đơn vị này chưa chấp thuận vì còn chờ … biên bản xử phạt. Vì thực tế, bị xử phạt còn “đỡ tốn” hơn là tái lập mặt đường. 

 

Khu 2 cũng biết, nếu ra biên bản xử phạt mà đơn vị thi công cứ “cù cưa” thì đơn vị quản lý là Khu 2 cũng phải bỏ tiền ra duy tu. Vả lại, chưa chắc đơn vị thi công đã chịu nộp tiền phạt. 

 

Đó không phải là trường hợp cá biệt của Xa lộ Hà Nội. Trong hơn 4 năm qua, kể từ tháng 3/2003 đến tháng 6/2007, Sở GTCC đã xử phạt hàng ngàn trường hợp các đơn vị thi công làm ẩu, đào đường mà không chịu lấp. Trong đó có gần 400 trường hợp các đơn vị thi công không chịu nộp phạt.

 

Đứng đầu danh sách là Công ty Công trình hàng không với 104 biên bản vi phạm chưa nộp phạt, Công ty TNHH Xây dựng vận tải Hoàng Ngân cũng có đến 17 biên bản. Nhưng đơn vị quản lý là Sở GTCC cũng đành chịu.

 

Vì sao “bó tay”?

 

Trên thực tế, Sở GTCC có quyền đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép đào đường,… nhưng chính Sở GTCC cũng sợ đình chỉ thi công các đơn vị này vì các dự án xây dựng công trình giao thông vốn đã rất chậm tiến độ.

 

Năm 2006, Sở GTCC tuyên bố sẽ “ghi sổ đen” các đơn vị vi phạm nhiều lần, cố tình không nộp phạt để “trừ điểm”, hạn chế hoặc không cho đấu thầu các dự án của Sở. Nhưng vẫn chưa có trường hợp nào như vậy nên các đơn vị thi công vẫn chưa sợ.

 

Cuối tháng 8/2007, Sở GTCC lại ra quyết định tổng hợp các đơn vị vi phạm để xử lý. Sở kiên quyết từ nay sẽ không cấp giấy phép đào đường cho các đơn vị này nếu các vi phạm chưa khắc phục hoặc chưa nộp phạt.

 

Nhưng, công trình lắp đường ống dọc Xa lộ Hà Nội vi phạm hàng loạt quy định đào, lấp mặt đường và đơn vị thi công cũng chẳng có mấy thiện chí khắc phục. Vậy mà, Sở GTCC vẫn phải tiếp tục cấp giấy phép cho đơn vị này… đào tiếp vì đây là 1 trong những công trình trọng điểm của TP, dân đang chờ, UBNDTP hối thúc các đơn vị tạo điều kiện tối đa để đơn vị hoàn thành kịp tiến độ.

 

Và hàng trăm công trình khác cũng thế, như dự án Đại lộ Đông Tây, dự án Vệ sinh môi trường TP… đều là các công trình trọng điểm nên “vô tư” vi phạm. Chỉ có người dân là chịu khổ.

 

Người đi qua Xa lộ Hà Nội thì chịu cảnh bụi đất mù trời, nổ lốp vì ổ gà, đá dăm. Người dân sống ven đường còn chịu cảnh nước ngập lai láng, mỗi khi trời mưa bùn đất tràn lên tận mép nhà.

 

Và trong năm qua, đã có một trường hợp tử vong vì tình trạng thi công cẩu thả của các công ty này. Một học sinh 12 tuổi đã chết đuối khi tắm trong hố công trình không được rào chắn trên đường Trần Văn Kiểu (P.1, Q.6) thuộc dự án Đại lộ Đông Tây vào ngày 25/6.

 

Tùng Nguyên