1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đánh thức Sơn La

Ngày mai (2/12), thủy điện Sơn La chính thức được khởi công. Miền đất tây bắc này sẽ không còn heo hút như bao đời. Những công trình hôm nay ghi dấu rất rõ sự hy sinh của cả trăm nghìn người ở Sơn La, Điện Biên và Lai Châu rời nhà đến nơi ở mới.

Ông Hoàng Chí Thức - chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho biết: “Thủy điện Sơn La ra đời là cơ hội ngàn vàng không chỉ cho riêng Sơn La mà cả vùng Tây Bắc, dù những xáo trộn trong đời sống đồng bào các dân tộc là không tránh khỏi”.

 

Với 91.000 dân của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phải di dời, một cuộc di dân lớn chưa từng có ở vùng đất Tây Bắc nghèo khó, xa xôi này đã và đang diễn ra. Sau bốn năm chuẩn bị và triển khai, hôm nay tất cả đã sẵn sàng vì dòng điện ngày mai.

 

Sẵn sàng. Nhưng trước đó là những nỗi niềm, những thử nghiệm thất bại. Ông Lò Mai Kiên, trưởng Ban quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, khẳng định: “Dù chưa có một mô hình mẫu nào cho công tác di dân, nhưng chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học từ công tác di dân của thủy điện Hòa Bình trước đây và thực tế hiện nay của tỉnh. Đã có những điều chỉnh trong công tác di dời tái định cư do chưa hợp lòng dân”.

 

Theo kế hoạch, năm 2005 toàn tỉnh Sơn La phải di chuyển 2.345 hộ ra khỏi cao trình 140m, trong đó có 433 hộ bị ngập nhà hoàn toàn ngay sau khi chặn dòng. Để chuẩn bị cho ngày khởi công, từ hai năm nay Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để Sơn La triển khai thí điểm mô hình di dân, tái định cư.

 

Nhưng ngay từ đầu đã vấp phải những khó khăn. Ban đầu, tỉnh đầu tư toàn bộ kinh phí, xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương thức “chìa khóa trao tay” như đã làm ở Tân Lập (Mộc Châu). Người dân được cấp nhà sàn bêtông, cốt thép trên diện tích đất ở 400m2, được chia bình quân 1,5ha đất canh tác/hộ, nếu không nhận đất canh tác thì nhận bò sữa, bò thịt nuôi… Mô hình này được xem là thất bại dù mức đầu tư cho một hộ gia đình lên tới 500 triệu đồng (tính cả tiền đầu tư cơ sở hạ tầng).

 

Nguyên nhân là do người dân chưa thấy được “bằng hoặc hơn nơi ở cũ” như mục tiêu ban đầu đề ra, nhất là người dân tộc La Ha vẫn quen sống với không gian rộng lớn hơn.

 

Tỉnh chuyển sang mô hình thứ hai. Quan điểm, chủ trương của tỉnh cũng đã được điều chỉnh, không phải chung chung “đến nơi ở mới sẽ bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, mà phải tạo mọi điều kiện để dân hài lòng hơn hẳn nơi ở cũ. Với mô hình mới, người dân được trực tiếp tham gia công tác qui hoạch, được bàn luận trực tiếp vào phương án sản xuất.

 

Trong khi đó tỉnh lo phần san lấp mặt bằng nơi tái định cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi chia từng lô như nhau để dân bốc thăm, tự lo dựng nhà. Mỗi nhà di chuyển được hỗ trợ ít nhất 50 triệu đồng (bốn người), hộ nào đông hơn bốn người thì cứ thêm một người sẽ được nhận thêm 10 triệu đồng. Toàn bộ chi phí vận chuyển từ nơi cũ đến nơi ở mới sẽ được tỉnh hỗ trợ.

 

Mô hình này được dân hoan nghênh đón nhận, việc triển khai dễ dàng, nhanh chóng hơn. Người dân không chỉ dựng được nhà mới theo ý mình mà còn có tiền dư ra để mua sắm vật dụng, trang thiết bị thiết yếu trong gia đình.

 

Nhờ có thủy điện, đời sống người dân ở bản mới được nâng lên, hầu như ở trước mỗi nhà sàn nào cũng gắn một ăngten chảo để xem các đài truyền hình trong và ngoài nước - Ảnh: Minh Luận

 

Ông Hoàng Chí Thức cho biết một khi thủy điện Sơn La hoàn thành, nguồn năng lượng từ thủy điện Sơn La sẽ mang lại mức thu 400 triệu USD/năm (trên 1 triệu USD/ngày) và tỉnh sẽ có được nguồn thu ngân sách rất lớn. Còn bây giờ, cuộc sống của người dân phần lớn đã được nâng lên rất rõ, nhất là về cơ sở hạ tầng vì 44/45 điểm tái định cư mới lập đều đã có đường giao thông đến tận trung tâm bản.

 

Điện lưới quốc gia cũng đã được kéo về. Hầu hết các gia đình khi về bản mới có điện, có đường đã mua sắm tivi, xe máy. Từ chỗ chỉ quen sống trên núi cao, buổi tối còn đốt đèn dầu, nay họ đã biết sử dụng điện và các đồ dùng điện gia đình.

 

Bí thư Huyện ủy Mường La Cầm Văn Chính nói rằng nếu như trước đây nông sản thực phẩm được người dân sản xuất ra chỉ để phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình theo kiểu tự cung tự cấp, giờ đây nhận thức của người dân đã khác. Họ biết đầu tư trồng trọt, chăn nuôi qui mô lớn để cung cấp cho “thị trường lớn” với trên 5.000 công nhân, cán bộ đang tham gia xây dựng công trình.

 

Những năm trước, do đường sá đi lại khó khăn, Mường La bị chia cắt với bên ngoài nên dù làm ra được nhiều nông sản cũng không biết bán đi đâu, hoặc bán với giá rẻ. Bây giờ, hằng ngày Mường La phải nhập nông sản, thực phẩm từ các huyện lân cận, thậm chí cả từ dưới xuôi chuyển lên mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của địa phương. Nhu cầu đó sẽ còn lớn hơn vào lúc cao điểm, công trường xây dựng thủy điện phải đón 14.000 người đến làm việc.

 

Cái được lớn nhất mà Sơn La mong mỏi bấy lâu nay là việc đào tạo nguồn nhân lực và mở mang dân trí cho 12 dân tộc anh em trong tỉnh. Một số ngành học mới đã mở ra đào tạo con em trong tỉnh như kinh tế nông nghiệp, kinh tế gia đình…

 

Thời gian qua, Sơn La còn gửi học sinh đi học các ngành công nhân kỹ thuật để “đổ” vào công trường xây dựng thủy điện. Diện mạo mới của Sơn La ngày mai sẽ khác đi rất nhiều khi Khu công nghiệp Tà Sa - Mai Sơn được xây dựng, đánh thức các làng nghề truyền thống.

 

Ngày mai, Sơn La sẽ không còn là hình ảnh heo hút, cheo leo như đã tồn tại bao đời nay…

 

Theo VnExpress/Tuổi trẻ