Đánh mất Mẫu Sơn
(Dân trí) - Mẫu Sơn: "Đệ nhất hùng quan" phía Bắc, nơi gần 100 năm trước người Pháp đã đặt chân lên đây và biến Mẫu Sơn thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng như Sa Pa hay Đà Lạt. Trong vài năm gần đây, Mẫu Sơn còn nổi tiếng bởi vào mùa đông lại có tuyết rơi…
Có một bài báo trên tờ "Thế giới phụ nữ" số ra gần đây viết về Mẫu Sơn mà vừa đọc xong chúng tôi muốn đi ngay. Khoảng 5-6 bức ảnh chụp phong cảnh và con người Mẫu Sơn với những lời giới thiệu về Mẫu Sơn có gà ngon đến nỗi ăn được cả xương, rồi ếch béo ngậy, rồi rượu Mẫu Sơn, chè Tuyết san... toàn những đặc sản không nơi nào có được.
Năm vừa rồi, dịp gần tết có tới hơn 3000 ôtô đưa du khách lên Mẫu Sơn để đón tuyết rơi. Trên nhiều báo và tạp chí đã nhắc đến Mẫu Sơn như một "nàng công chúa" đang được đánh thức. Một số tour du lịch cũng đã tổ chức đưa du khách lên Mẫu Sơn. Ngay như nhiếp ảnh gia Xuân Bình khi vừa nhắc đến Mẫu Sơn đã tủm tỉm cười: "Mẫu Sơn tuyệt đẹp, lại có cả...".
Mẫu Sơn tuyệt đẹp
Để tìm đường lên Mẫu Sơn chúng tôi cứ mò mẫm theo bản năng. Đi theo quốc lộ 1A, rồi hỏi đường 4B. Hỏi mãi mới ra đường. Đáng lẽ một khu du lịch nổi tiếng như vậy thì ngay tại ngã 3, lối rẽ đi Đồng Đăng, nên có biển hướng dẫn du khách lên Mẫu Sơn.
Có khá nhiều ổ voi, ổ trâu trên đường đi. Đi hết 14 cây số, mới thấy một tấm biển đề: Khu du lịch Mẫu Sơn. Lúc này trời vẫn mưa tầm tã. Dọc đường chúng tôi gặp một vài xe ôtô từ Mẫu Sơn đi xuống, chắc họ lên từ hôm trước.
Chiếc xe của chúng tôi bò chầm chậm dọc theo triền núi. Con đường độc đạo duy nhất từ đường 4B lên đến tận đỉnh Mẫu Sơn cũng dài tới 14km, uốn mình qua các dãy núi và ngày càng lên cao dần, để du khách thưởng thức được sự ngoạn mục của phong cảnh Mẫu Sơn.
| |
Một nhà nghỉ đang được xây |
Từ trên đỉnh Mẫu Sơn có thể nhìn thấy cả thị trấn Bình Minh của Trung Quốc, nhìn thấy thành phố Lạng Sơn và sông Kỳ Cùng uốn lượn. Tôi đứng trên đỉnh núi, hít thật mạnh không khí vào lồng ngực và hét thật to, những điều chẳng thể nào làm được ở thành phố.
Mẫu Sơn ơi, Mẫu Sơn...
Xe lên đến đỉnh núi, cơn mưa vừa dứt. Mặt trời ló rạng sau làn mây. Đứng ở đây mới thấy hết cái vẻ uy nghi, hùng vĩ của núi non, phong cảnh. Dọc đường lên đỉnh Mẫu Sơn có một vài khu vực đang được xây dựng, chắc để làm nhà nghỉ hay khách sạn.
Còn trên đỉnh Mẫu Sơn, có khoảng chục cái nhà nghỉ. Có những nhà nghỉ được xây từ thời Pháp. Nhà nghỉ công đoàn Lạng Sơn chiếm một cái to nhất, cao 2 tầng. Tôi đọc được một tấm biển đề: "Tắm thuốc dân tộc". Chúng tôi quyết định thử vào nhà nghỉ H.T để hỏi han tình hình.
Vừa bước vào đã thấy 4 em "mắt xanh, mỏ đỏ" ngồi ngay ngắn đợi khách. Lướt qua mấy phòng nghỉ, chúng tôi chạy vội, bởi phòng tối om om và hôi hám. Sang một khách sạn đối diện cao 2 tầng, nom bề thế không kém gì cái nhà nghỉ Công đoàn.
Một nhân viên đưa chúng tôi lên tầng 2 để xem phòng với giá 100.000 đồng/đêm. Cũng có đệm, ga, gối và phòng vệ sinh riêng, nhưng vừa lật tấm rèm, tôi giật mình khi thấy 2 chú gián lao ra. Miết tay lên thành giường thấy một vệt bụi và mốc. Lật lên cái đệm, đã thấy mùi hôi bốc lên.
Tôi hỏi: -"Ở đây, còn khách sạn hay nhà nghỉ nào tốt hơn không?", cô nhân viên nhìn chúng tôi vẻ khó hiểu rồi trả lời tỉnh queo: "Khách sạn của bọn em là tốt nhất ở đây rồi". Quả đúng thế thật. Chúng tôi có tạt qua một số nhà nghỉ nữa mà chỗ nào cũng như vậy. Vừa tối, vừa hôi. Khách Việt có thể thấy ở những nơi như vậy cũng tạm ổn nhưng đối với khách Tây thì chắc là không ổn.
Cách đây mấy tháng có một đoàn khách Tây du khảo bằng xe đạp lên đỉnh Mẫu Sơn, nhưng họ chỉ dừng một chút, rồi lại hạ sơn ngay. Lúc đặt chân lên Mẫu Sơn tôi đã nghĩ đến có một đêm tuyệt thú trên đỉnh núi, nhưng rồi vào khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi cũng đành hạ sơn.
Trên Mẫu Sơn chẳng tìm thấy ếch béo ngậy cũng như gà nhai cả xương đâu cả. Hỏi đến chè Tuyết san cũng không có. Đào Mẫu Sơn được coi là thơm ngon, ngọt có tiếng khi được hỏi, một nhân viên nhà nghỉ cũng lắc đầu trả lời: Làm gì có. Khung cảnh hoang tàn vương vãi khắp nơi.
Chúng tôi đứng ngay cạnh một ngôi nhà mà bây giờ chỉ còn là những bức tường trơ trọi, bên trong chỉ toàn thấy rác thải. Trong một nhà trọ khác, tiếng karaoke vọng ra buồn bã. Có lẽ khách lên đến tận đỉnh Mẫu Sơn ngoài thưởng ngoạn phong cảnh, có thể tìm thú vui trong "chuyện ấy", còn du lịch Mẫu Sơn không để lại bất cứ ấn tượng gì.
Hạ sơn
| |
Khu nhà nghỉ Chân Mây được |
Ông Tùng, chủ khu nhà nghỉ rất niềm nở đón khách. Ông đã đầu tư vào khu này khoảng 2 tỉ đồng, mua lại của Sở Thương Mại Lạng Sơn cả đất và nhà, rồi đầu tư thêm. Thỉnh thoảng có một tốp khách rẽ vào, nhưng phần lớn là hỏi có "chuyện ấy" ở đây không.
Ông Tùng bẽn lẽn giải thích với chúng tôi: "Khách thập phương mà, họ yêu cầu thì mình cũng phải đáp ứng thôi". Ông Tùng ngồi vẽ cho tôi rất nhiều dự án đầu tư vào Mẫu Sơn và nhờ tôi mời gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào đây làm ăn và cùng chia lời. Nhưng nếu Mẫu Sơn chỉ có mỗi phong cảnh đẹp, mà không có một môi trường du lịch thực sự cuốn hút con người, không có dịch vụ chăm sóc du khách tốt và phong cách làm ăn chuyên nghiệp thì Mẫu Sơn mãi sẽ vẫn đánh mất tên tuổi của mình.
Tôi có nghe nói đến một dự án mở đường 4B nhưng nó vẫn chỉ ở trên giấy suốt 3 năm nay. Cũng như có dự án của tỉnh Lạng Sơn định biến Mẫu Sơn thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tuyệt vời, nhưng hình như nó vẫn đang nằm trong két sắt của ai đó.
Trời sập tối thì chúng tôi về đến Cao Lộc. Từ đây chạy theo đường cao tốc để về Hà Nội cũng rất nhanh, chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ. Mẫu Sơn thực ra rất thuận lợi để du khách đến thưởng ngoạn du lịch. Nhưng hình như suốt bao năm qua, Mẫu Sơn vẫn im lìm đứng như thế. Như một nàng công chúa đang ngủ và sẽ còn ngủ rất lâu, bởi không có ai đến đánh thức "nàng" dậy.
Liệu Mẫu Sơn có bị quên lãng không?
Đức Trung