1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đánh giá toàn diện hơn ảnh hưởng của Covid-19 đối với thị trường lao động

Thế Kha

(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải (Cục Việc làm) cho rằng cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về tác động của Covid-19 đối với thị trường lao động Việt Nam.

Đánh giá toàn diện hơn ảnh hưởng của Covid-19 đối với thị trường lao động - 1

Ông Lê Văn Hoạt và bà Hoàng Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

Chiều ngày 10/11, Đảng uỷ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ông Lê Văn Hoạt - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ đã phổ biến kế hoạch của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về triển khai việc thảo luận lấy ý kiến của cán bộ, công chức, người lao động ở các cơ quan Trung ương vào dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII.

“Việc lấy ý kiến thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bảo đảm khoa học, thiết thực, chất lượng, tránh hình thức, lãng phí”- ông Hoạt nói và cho biết đây là hội nghị lấy ý kiến của đối tượng quần chúng, chưa kết nạp Đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải (chuyên viên Cục Việc làm) cho rằng cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về tác động của Covid-19 đối với thị trường lao động Việt Nam.

“Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhanh hơn, rõ hơn điểm yếu của thị trường lao động Việt Nam, nhiều chính sách lao động và việc làm chưa đi vào cuộc sống… Có nhiều người lao động rơi vào tình trạng yếu thế khi đại dịch xảy ra, chưa tiếp cận được những cơ chế sẵn có”- ông Hải nêu thực tế.

Tien si Nguyen Xuan Hai.JPG

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Tống Giáp)

Từ đó, ông Hải mong muốn dự thảo các văn kiện sẽ làm rõ thêm quan điểm, định hướng khi xây dựng chính sách lao động việc làm, an sinh xã hội. Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm đưa thông tin đến được người cần thông tin nhanh nhất.

Chung quan điểm, ông Trần Thanh Bình (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhận định: Do tác động lớn, tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên nền kinh tế phải có thời gian ổn định lại, sản xuất kinh doanh phải có thời gian bình phục. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hàng năm trong 10 năm chỉ có thể khoảng 6%; GDP bình quân đầu người khoảng 7.000 USD/người.

Vì vậy, theo ông Bình, cần phải xem xét, đánh giá lại chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân và chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tới năm 2025 bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, còn thiên tai, lũ lụt có xu hướng ngày càng lớn.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, ông Bình đề xuất bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% bên cạnh chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng nghề cao, đặc biệt ở các ngành nghề công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao, ngành, nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, giữa đào tạo với sử dụng lao động.

Còn bà Bùi Mỹ Linh (Vụ Hợp tác quốc tế) phân tích, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh và chú trọng hơn nữa.

Đánh giá toàn diện hơn ảnh hưởng của Covid-19 đối với thị trường lao động - 3

Bà Bùi Mỹ Linh (Ảnh: Tống Giáp).

“Các giải pháp có thể kiến nghị như xây dựng, nuôi dưỡng tinh thần học của toàn xã hội nói chung và của cán bộ, Đảng viên nói riêng bằng mô hình hợp tác công tư chặt chẽ. Bên cạnh đó là cải cách chế độ lương- thưởng không phân biệt đối xử về giới hoặc về các yếu tố liên quan đến trách nhiệm gia đình, tình trạng hôn nhân. Bổ sung các chính sách để thu hút nhân tài và các nhà khoa học trẻ, giảm thiểu hiện tượng chảy máu chất xám”- bà Linh nêu quan điểm.

Kết thúc hội nghị, ông Lê Văn Hoạt đánh giá cao các ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ xem xét, tổng hợp để hoàn thiện báo cáo gửi cơ quan cấp trên.