1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đánh giá tác động môi trường của dự án lấp sông Đồng Nai chưa đủ tin cậy

(Dân trí) - Theo ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn sông Đồng Nai mới ở mức độ sơ bộ, chưa đầy đủ, tin cậy để triển khai. Nhưng đến nay doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 60 - 70% khối lượng đất đá lấp sông.

Đánh giá tác động môi trường của dự án lấp sông Đồng Nai chưa đủ tin cậy
Ông Hoàng Văn Bảy khẳng định việc đặt ra bài toán và giải bài toán triển khai dự án lấp sông Đồng Nai chưa đầy đủ. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 25/5, ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, từ năm 2007, toàn bộ khu vực bờ sông Đồng Nai qua trung tâm TP Biên Hòa (Đồng Nai) dài khoảng 2,7 km được quy hoạch làm cảnh quan ven sông, bao gồm cả việc xây dựng kè bờ sông. Trên cơ sở quy hoạch này, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nghiên cứu dự án khả thi, trong đó có 4-5 dự án thành phần.

“Đối với nội dung phát triển đô thị thì trong chủ trương phát triển trung tâm TP Biên Hòa thành khu đô thị dọc sông Đồng Nai và sông Cái đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao các sở ngành liên quan lập tờ trình cho ý kiến từ năm 2005. Đến năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai việc nghiên cứu mục đích phát triển đô thị ven sông bên cạnh việc kè bờ và công viên được hình thành từ trước đó. Từ đó tỉnh đã giao cho Viện Khoa học thủy lợi miền Nam chủ động nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động; năm 2009 tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động này. Các bước hình thành sau này trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), việc triển khai dự án đã được thực hiện từ năm 2010 và đến tháng 9/2014 phê duyệt ĐTM và tháng 1/2015 bắt đầu đổ đất đá lấn sông”- ông Bảy nói.

Theo ông Bảy, dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát có diện tích tổng thể khoảng 8,4 ha, trong đó có 7,7 ha lấn từ mép sông ra phía ngoài. Điểm lấn sông rộng nhất là 100m, chỗ hẹp vài ba chục mét. “Tôi vào đó 4 lần rồi. Hiện nay khối lượng san lấp, ước tính chưa chính xác, vào khoảng 60-70% khối lượng đất đá cần phải lấp”- ông Bảy nói.

Đánh giá tác động môi trường của dự án lấp sông Đồng Nai chưa đủ tin cậy
Ông Hoàng Văn Bảy cho biết khoảng 60-70% khối lượng đất đá cần lấp để triển khai dự án đã được hoàn thành (Ảnh: Trung Kiên).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, ông Hoàng Văn Bảy cho biết mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động mời nghiên cứu chuyên ngành nghiên cứu, đánh giá tác động, thẩm tra báo cáo, trên cơ sở phê duyệt báo cáo ĐTM nhưng chưa lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường. Bên cạnh đó, quá trình tham vấn của các nhà khoa học rất hạn chế, chưa lấy ý kiến của 11 địa phương trên lưu vực sông Đồng Nai. “Một số vấn đề của dự án chưa làm rõ, chưa được nghiên cứu báo cáo đầy đủ, một số nội dung chưa rõ, chưa đạt yêu cầu như về định lượng sạt lở, thoát lũ, lưu thông dòng chảy,… Có thể nói khái quát là việc đặt bài toán và giải bài toán chưa đẩy đủ, đặc biệt lũ lớn ở thượng nguồn, lũ lớn kết hợp với triều cường ở vùng hạ du và cộng vớicác hồ thủy điện xả lũ, ổn định của dòng dẫn trên toàn hệ thống sông,…”- ông Bảy khẳng định.

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến số liệu đầu vào của dự án, ông Bảy khẳng định: “Nhìn chung chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhất là số liệu về địa hình, thủy văn. Vì vậy những đánh giá “dự án không ảnh hưởng tới dòng chảy của dòng sông”, “không tác động xấu tới sự thay đổi dòng chảy của dòng sông”, theo chúng tôi đều thiếu cơ sở. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho rằng những kết quả của tư vấn mới dừng ở đánh giá sơ bộ, chưa đưa ra cơ sở luận cứ để chọn phương án nên cần tiếp tục để nghiên cứu. Rõ ràng, chúng tôi thấy báo cáo này (báo cáo ĐTM) mới ở mức độ sơ bộ, chưa đầy đủ, tin cậy để triển khai. Nó chỉ đâu đó ở quy hoạch, hình thành sơ bộ dự án thì được”- ông Bảy bày tỏ.

Ông Bảy cho biết Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ sớm có báo cáo chính thức gửi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm có báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên đứng ở góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, ông Bảy khẳng định: “Để có thể nói dự án đảm bảo đầy đủ căn cứ khoa học trong việc thực hiện lấn sông sẽ ảnh hưởng tới lưu thông dòng chảy, thoát lũ, đặc biệt trong tình huống xuất hiện lũ lớn kết hợp với triều cưỡng, xả lũ trên thượng nguồn,… như thế nào cần thiết phải có một ông tư vấn độc lập để tiếp tục nghiên cứu đánh giá lại tác động trên toàn tuyến. Có nên làm tiếp dự án nữa hay không và làm thế nào thì cần có nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 3 Bộ kia chọn một ông tư vấn cho đảm bảo khách quan. Trên cơ sở đánh giá này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý đối với vấn đề này ra sao. Trong thời gian chờ thực hiện những bước này thì phải tiếp tục dừng dự án”.

Đánh giá tác động môi trường của dự án lấp sông Đồng Nai chưa đủ tin cậy
Ông Trần Hồng Hà- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- khẳng định những điều ông Bảy đưa ra sẽ chính là quan điểm của Bộ này gửi Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù chưa tới thời hạn phải báo cáo Chính phủ về vấn đề này (dự kiến ngày 28/5), nhưng Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Những điều anh Bảy nói chính là những nội dung cơ bản, cốt lõi ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ sẽ được công khai. Ý kiến của anh Bảy tuy từ cơ quan tham mưu và đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cân nhắc, nhưng tôi nghĩ rằng nội dung tham mưu của anh Bảy hôm nay sẽ là nội dung cơ bản trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường”- ông Trần Hồng Hà nói.

Liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc này, ông Trần Hồng Hà cho biết khi có ý kiến chính thức chắc chắn sẽ phải xem xét trách nhiệm của những cơ quan liên quan. Tuy nhiên hiện nay đang trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở đánh giá chính xác để báo cáo Chính phủ nên chưa thể trả lời rõ ràng về chuyện này.

Thế Kha