1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Góp ý sửa đổi Hiến pháp:

"Đảng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động lãnh đạo"

(Dân trí) - “Quy định mọi Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật chưa thể hiện đầy đủ về bổn phận rất lớn của đảng cầm quyền. Vai trò lãnh đạo của Đảng cần có luật định để Đảng viên phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động lãnh đạo của mình”…

Đây là một trong những ý kiến góp ý được đưa ra trong hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 19/2. Các đại biểu tham gia hội nghị này gồm các thành viên Ban thường trực, Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của mặt trận đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc liên quan đến các quy định về Đảng.

Đại biểu Phạm Xuân Hằng (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhận định, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội những năm qua là một tất yếu lịch sử. Vì vậy, ông Hằng tán thành với quy định tại Điều 4 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Đại biểu cũng đánh giá cao quy định bổ sung tại khoản 2 điều này về việc Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
 
Đại biểu Phạm Xuân Hằng: Vai trò lãnh đạo của Đảng cần do luật định (ảnh: HL).
Đại biểu Phạm Xuân Hằng: "Vai trò lãnh đạo của Đảng cần do luật định" (ảnh: HL).

Tuy nhiên, ông Hằng vẫn băn khoăn về khoản 3 với quy định “mọi Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”. Theo đại biểu, quy định như vậy chưa thể hiện đầy đủ về bổn phận rất lớn của một đảng cầm quyền.

“Quy định đó không thể hiện vị thế của Đảng lãnh đạo, bổn phận của người lãnh đạo. Tôi đề nghị viết lại quy định là “vai trò lãnh đạo của Đảng được đảm bảo bằng pháp luật và do luật định” – ông Hằng phân tích, nội dung thể hiện như vậy đảm bảo cho nguyên tắc Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.

Quy định như vậy, theo đại biểu, cũng là để các Đảng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân trực tiếp về những hoạt động lãnh đạo của mình, không phải thứ trách nhiệm hành chính chung chung. Quy định đó cũng thể hiện việc Đảng minh bạch về chính trị.

Đặt vấn đề như vậy, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết xây dựng luật về Đảng. Ông Lê Truyền (nguyên Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ) đề xuất, ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần xúc tiến soạn thảo luật về Đảng.

Tán thành quan điểm, lập luận này, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị bổ sung quy định “nhân dân thực hiện sự giám sát của mình với Đảng theo quy định về giám sát xã hội và phản biện xã hội”. Theo đó, cùng với việc xây dựng luật về Đảng cần xúc tiến xây dựng luật về hoạt động giám sát và phản biện.
Đại biểu Hoàng Thái: Nên có cách viết tế nhị (ảnh: HL).
Đại biểu Hoàng Thái: "Nên có cách viết tế nhị" (ảnh: HL).

Đặt vấn đề về Đảng từ khía cạnh khác, đại biểu Hoàng Thái (nguyên ủy viên UB TƯ MTTQ) trích dẫn Điều 70 bản dự thảo Hiến pháp quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Ông Thái phân tích, gần 70 năm xây dựng đất nước với 4 bản Hiến pháp đều ghi rõ “lực lượng vũ trang trung thành với tổ quốc và nhân dân” và không nên thay đổi vị trí như trong dự thảo. Đại biểu nhấn mạnh: “Bác Hồ nhiều lần nhắc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ đâu cũng phải đặt tổ quốc, nhân dân lên trước hết”.

Ông Thái cũng góp ý với cách viết ở lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…”. Bác không bao giờ dùng chữ “dưới” mà chỉ nói “nhân dân có Đảng lãnh đạo”. Đại biểu đề xuất sửa ngôn từ thể hiện theo hướng này.

P.Thảo