1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Tăng giá là bắt buộc nhưng đừng để “sốc”

Những ngày qua, điều dư luận quan tâm là quyết định tăng tỷ giá của NHNN. Hệ luỵ của nó nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là giá cả tăng, lạm phát và những bất ổn liên quan đến đời sống dân sinh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, “tăng tỷ giá là cần thiết nhưng tăng ở mức độ nào để không gây “sốc” đối với nền kinh tế mới là đáng bàn”

Tăng giá là bắt buộc nhưng đừng để “sốc” - 1
Điều chỉnh tỷ giá với mức cao sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng giá các mặt hàng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao (ảnh: Đại đoàn kết)

Thưa bà, một loạt giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá được đưa ra trước Tết. Vậy mà ngay sau Tết, NHNN có quyết định tăng tỷ giá, dường như một đợt tăng giá mới đang trực chờ. Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

Trước hết có thể khẳng định việc tăng tỷ giá của NHNN là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề là thời điểm. Thời điểm trước Tết, Nhà nước đã không thực hiện điều chỉnh tỷ giá vì cần phải giữ để tránh việc tăng giá nhiều mặt hàng cơ bản, ảnh hưởng đến đời sống, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến cái Tết của người dân.

Vì vậy, NHNN đã quyết định điều chỉnh ngay sau Tết. Tuy nhiên mức điều chỉnh theo tôi là quá cao, trong lịch sử điều chỉnh tỷ giá, chưa bao giờ cao như vậy. Song, nếu so với khoảng cách tỷ giá trên thị trường tự do thì lại là ngang bằng. Vì trên thị trường này, mức tỷ giá đã được tự động nâng lên 10% hai tháng trước Tết.

Do vậy, mức điều chỉnh này có lẽ cũng là mức bắt buộc để tỷ giá sát gần giá thị trường hơn, giảm tác động tiêu cực của thị trường tự do và đỡ đi một phần khó khăn cho các DN. Bởi thực tế, nhiều DN phải mua USD bằng giá thị trường tự do nhưng lại phải hạch toán kinh tế bằng giá chính thức.

Thứ hai, điều chỉnh tỷ giá làm cho thị trường ngoại tệ minh bạch hơn, khi không còn hai loại giá quá cách xa nhau. Ngay cả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng không còn rối ren như thời gian trước.

Trước đây, vẫn tồn tại tình trạng các ngân hàng bề ngoài công bố bán ngoại tệ theo tỷ giá chính thức nhưng đằng sau nó luôn có sự mặc cả buộc người dân, DN phải mua giá cao. Sự chênh lệch đó không biết rơi vào túi ai? Ngân hàng hoạt động không minh bạch sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế.

Bên cạnh những mặt tích cực, không thể không nhìn thấy những mặt trái của việc tăng tỷ giá đang hiện hữu ngày một rõ ràng hơn. Muốn hay không, điều chỉnh tỷ giá với mức cao như vậy cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng giá các mặt hàng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Đơn cử như việc điều chỉnh tỷ giá ngay lập tức đã khiến nhiều mặt hàng như xăng dầu, ga, điện... rục rịch  đòi tăng giá.

Bên cạnh đó, không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi họ tự nhiên cảm thấy bị “móc túi” mất tới 10% giá trị tiền VNĐ. Nhất là đối tượng làm công ăn lương, Nhà nước điều chỉnh lương từ 1-5 nhưng chưa tới 1-5 đã thấy lương của mình hụt đi rồi.

Tôi cho rằng điều chỉnh tỷ giá là cần thiết nhưng nếu làm từ tốn hơn, linh hoạt chia ra thành từng đợt, sẽ không gây sốc cho người dân. Việc điều chỉnh lần này giống như chiếc lò xo bị nén rồi bật thật mạnh. Trước Tết thì cố kiềm chế giá cả rồi sau Tết bùng lên. Người dân rõ ràng đang phải đối mặt với một cơn bão giá vô cùng lớn.

Như vậy, việc kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm 2011 là vô cùng khó khăn?

Nhiều nơi lý giải, việc tăng tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Nhưng đó là cách nhìn trên lý thuyết mà không tính đến sự lan toả của nó. Nhiều ngành vin vào việc tăng tỷ giá đã lập tức đẩy giá sản phẩm lên. Nếu như điện, than rồi xăng dầu cũng tăng một chút... cộng tất cả những cái “một chút” đó lại, đến người dân lại vô cùng lớn.

Nói như vậy, dù muốn hay không, tác động của việc tăng tỷ giá đã và đang ảnh hưởng không hề nhỏ đến đời sống người dân. Vậy theo bà, người dân trông chờ điều gì vào “điều hành” của Nhà nước?

Theo tôi, khi quyết định một vấn đề gì cần phải nhìn xa hơn, mang tính vĩ mô, dài hơn hơn chứ đừng nhìn ngắn hạn, cần phải xem sự quyết định đó sẽ tác động dây chuyền đến các mặt của đời sống thế nào.

Đơn cử như Bộ Tài chính và Bộ Công thương khi trình Chính phủ đề án tăng giá điện cần phải phân tích một cách khoa học, sát với thực tế, xem sự tăng giá đó tác động đến các ngành khác thế nào chứ không thể theo ý muốn chủ quan.

Về phía lĩnh vực ngân hàng, người dân mong chờ Nhà nước tiếp tục kiểm soát tốt hoạt động ngành ngân hàng trong công tác điều chỉnh tỷ giá.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước lớn, đây là những đơn vị sử dụng nhiều nhất luồng ngoại tệ và luồng đồng tiền trong nước trong các hợp đồng, kinh doanh của họ. Nếu như không kiểm soát tốt, thì nguy cơ trong năm 2011, tỷ giá sẽ được điều chỉnh không chỉ dừng lại 1 lần.

Bên cạnh đó, các chính sách xã hội an sinh tiếp tục cần tiếp tục thực hiện. Tôi hoan nghênh chính sách bù giá điện trực tiếp không qua doanh nghiệp của Bộ Công thương. Nhưng theo tôi, như vậy chưa phải là đủ, vì khi bù trực tiếp thì thật ra những người nghèo cũng chỉ được bù thêm có thêm vài nghìn đồng từ giá điện.

Trong khi đó, phần mà người dân phải gánh thêm từ việc tăng giá những mặt hàng khác (do giá điện tăng) lại cao mà chẳng ai có thể bù cho họ. Do vậy, muốn an dân, nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp, đồng bộ với tầm nhìn bao quát hơn, xa hơn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Duy Phương - Thuý Hằng
Báo Đại đoàn kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm