1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đang đi thì gặp…“mõ làng”

Hôm nọ đang đi loanh quanh ở thị trấn Phú Bài (thuộc thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thì bất ngờ gặp một ông “mõ làng” đã gần 80 tuổi.

Ông chạy chiếc Cúp 81 cũ kỹ, trước xe gắn cái loa kẽm to đùng của thời hợp tác xã cách đây mấy chục năm “nói” bằng giọng Bắc: “Alô alô, sáng mai 7h30 những gia đình nào có con nhỏ đem cháu đến bệnh xá tiêm phòng uốn ván…”.

“Còn sống thì tôi còn làm mõ”. ảnh: H.V.M

“Còn sống thì tôi còn làm mõ”. ảnh: H.V.M

Tôi lặng lẽ theo ông khắp thị trấn với nỗi tò mò: Bây giờ là thời của truyền hình và Internet, nhưng tại sao vẫn còn những ông “mõ làng” như thế này tồn tại? Sau gần một buổi chiều đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thị trấn, tôi quyết định theo ông Hà Văn Vợt – người “mõ làng” sắp bước qua tuổi 78 này - về nhà ở tổ 12, thị trấn Phú Bài để tìm câu trả lời cho một “núi” thắc mắc. Càng tò mò hơn khi thấy ngôi nhà 3 tầng rất khang trang mà vợ chồng ông Vợt đang sống, nhìn nó chẳng ăn nhập gì với công việc ông đang làm ở tuổi xưa nay hiếm. “Từ từ nào, để chú giải thích” - ông Vợt nói trong khi pha trà mời khách.

Nghề chỉ có một người

Ông Vợt là công dân hiếm hoi của thành phố Hải Phòng đến định cư lâu dài ở tỉnh Thừa Thiên - Huế từ những năm 80 của thế kỷ trước. Dù đã sống ở Huế lâu năm, nhưng ông vẫn giữ được sự hoạt ngôn kiểu rất duyên và hóm hỉnh đặc trưng của nông thôn miền Bắc. Khi nói chuyện, mỗi bộ phận trên gương mặt ông đều động đậy cảm xúc. Kiểu nói chuyện đó gây cảm giác rất hứng khởi và dễ chịu cho người đối diện.

Ông kể hành trình vào Huế của mình bắt đầu từ năm 1954, khi ông được nhận vào làm công nhân ngành đường sắt. Sau ngày đất nước giải phóng, ông vẫn tiếp tục công việc của mình và cơ duyên đã định cho ông gặp và phải lòng bà Phạm Thị Thực, ngày ấy cũng là công nhân đường sắt làm cùng tuyến với ông. Đầu năm 1980, hai ông bà cưới nhau và quyết định về Phú Bài, quê hương bà Thực để dựng nhà, sinh con, chuyển qua làm việc ở phòng tuyên truyền của thị trấn.

Chính ông Vợt tự gọi cái nghề mình đang làm là “mõ làng” và cho biết mình đến với nghề này từ ngày nghỉ hưu cách đây gần 20 năm. Ngày đó ông rảnh rỗi, suốt ngày tụ tập bạn bè uống nước trà, đánh cờ tướng giết thời gian. Một hôm, ông đang “chiếu tướng” thì ông bạn làm bên trạm y tế phường ghé nhà nói trạm đang muốn qua hình thức “loa loa” thông báo rộng rãi đến người dân toàn phường về thông báo lịch tiêm phòng cho trẻ em nhưng chưa có ai đi và gợi ý ông có làm được không, bởi ông có chất giọng Bắc. “Thấy cũng hay hay nên tôi nhận lời làm thử”.

Ông bảo không được chuyên nghiệp về phương tiện, tức có xe máy, loa, micro... như bây giờ. “Ngày đó tôi đi xe đạp, đến mỗi cụm dân cư là dừng lại, bắt tay lên miệng alô alô, trạm y tế phường xin thông báo... Ban đầu bà con dáo dác vì thấy lạ, chưa hiểu chuyện gì, sau khi nghe rõ, ai nấy vỗ tay khen hay quá trời”. Ông nheo mắt: “Một phần do chất giọng Hải Phòng của mình hơi bị chuẩn. Âm vực to, rõ ràng nên nghe là nghiền liền”.

Sau lần được bà con động viên khen hay và có lý, cộng với số tiền nhỏ gọi là bồi dưỡng từ trạm y tế phường, trong đầu ông Vợt bật ra gợi ý: “Vì sao mình không làm nghề này, vừa vui, vừa có tiền?”. Nói là làm, hôm sau ông đi tìm mua cái loa, micro, bình điện... gắn lên xe đạp và bắt đầu hành nghề. “Hễ ai có nhu cầu thông báo gì chỉ việc gọi điện thoại nói rõ thời gian, địa điểm và một vài thông tin liên quan, sau đó tôi sẽ đến tận nơi rao tin. Chi phí cho mỗi lần thông báo thuê từ 30.000 – 50.000đ, tuỳ vào quãng đường xa gần”.

Ông khoe khách hàng của mình đông đến mức làm không hết việc. “Năm nào cán bộ thuế ở phường cũng đến nhờ đi thông báo giúp, nhờ bà con nắm rõ địa điểm, lịch thu nên chấp hành tốt; rồi cán bộ y tế nhờ tuyên truyền về tiêm phòng, kế hoạch hoá gia đình, bệnh lây qua đường tình dục; rồi người mất giấy tờ xe, thậm chí bò đi lạc người ta cũng đến nhờ tôi giúp...”.

Tôi thắc mắc, bây giờ là thời buổi của thông tin, vậy mà “mõ làng” như ông vẫn có đất sống thì xem ra chuyện không được bình thường và có gì đó đi ngược với sự phát triển?

Ông lại cười nháy mắt: “Thông báo trên truyền hình, phát thanh chi phí cao gấp chục lần nhưng hiệu quả chưa hẳn hơn tôi đi rao mồm ấy chứ. Này nhé, hàng xóm của tôi bị rơi giấy tờ xe phải lên đài truyền thanh phường, đài phát thanh thành phố thông báo xin lại, tốn cả mớ tiền mà có ai cho lại đâu? Sau phải nhờ tôi, chỉ mấy ngày sau là được trả đấy. Tai mắt thiên hạ mà, ông cha ta nói rồi, có chuyện gì mà người ta không biết, chỉ cần chịu khó đến hỏi han sẽ tìm được mọi thứ mình muốn ”.

Còn sống còn… alô

Mặc dù tuyên truyền hàng trăm kiểu thông báo khác nhau từ hội họp, thu thuế đến tìm giấy tờ, trẻ lạc, nhưng gần 20 năm nay, ông Vợt chưa một lần cần đến một văn bản cầm tay. “Do thông báo lưu động lại phải điều khiển xe máy nên không thể vừa nhìn vừa đọc mà phải đọc thuộc nội dung trước khi thông báo. Với lại, làm nghề này mà nhìn giấy đọc coi như thất bại, thông báo kiểu đó không thu hút được người nghe, lời lẽ lại ấp úng do phụ thuộc văn bản. Hãy xem như mình đang nói chuyện với mọi người thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn”.

Ông Vợt nhấn mạnh: “Cái khó nhất của người đi nói mồm như tôi, ngoài lòng nhiệt tình, chịu khó cần am hiểu ngôn ngữ đời thường, nói sao dân họ hiểu là được, không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ phổ thông, văn hoa đôi khi lại phản tác dụng”.

Ông Trần Văn Khê - Tổ trưởng tổ dân phố 12 - tình cờ có mặt tại nhà ông Vợt cùng tôi hôm đó xác nhận: “Cùng việc đi tận nơi, vào tận từng ngõ ngách thôn xóm thì kiểu thông báo bình dân nhưng rất có duyên của ông Vợt luôn thu hút người nghe nên mang lại hiệu quả thông tin cao. Dân ở đây ai cũng hiểu rõ các chủ trương, chính sách Nhà nước, một phần là công lớn của ông Vợt...”.

Hỏi đến ông “mõ làng”, người dân Phú Bài ai cũng biết ông, nhắc đến ông một cách trìu mến. Họ bảo không có chi lạ bởi ngoài cái nghề “vừa lạ vừa quen”, ông Vợt còn là người sống rất có tình. Mỗi khi xong việc, ông chỉ lấy đúng tiền công đủ đổ xăng, ai có ý thưởng tặng ông đều từ chối. “Hôm trước có anh đánh rơi tập hồ sơ nhờ cụ Vợt tìm được liền biếu cụ 300.000đ nhưng cụ không lấy, bảo rằng đem về mua sữa cho con nhỏ” - bà Hà Thị Hạnh - hàng xóm cụ Vợt tự hào khoe với khách. Đặc biệt, “đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi có tang lễ, thất lạc người thân hay đánh mất tài sản cần thông báo thì ông Vợt miễn phí hoàn toàn” - bà Hạnh nói.

Ông Vợt thú nhận với tôi, trước đây khi quyết định đi alô, một phần là do sức ép của việc kinh tế gia đình khó khăn do ba đứa con đang tuổi ăn học. Tuy nhiên bây giờ, khi cả ba người con của cụ đều đã thành đạt, ngôi nhà cấp bốn bao năm giờ cũng đã được xây mới khang trang, nhưng ông vẫn yêu nghề như ngày nào. Bất kể trời mưa gió, lúc nửa đêm lạnh ngắt, hễ có người cần giúp đỡ ông lại dắt xe, cầm loa lên đường.

Vợ ông - bà Phạm Thị Thực - nhìn chồng lắc đầu thở dài, rồi tranh thủ tố ông với khách: “Tui và các con khuyên can, thậm chí... doạ nạt nhưng ông nhà nhất định không nghe. Ông bảo đi như vậy cho khoẻ người...”. Dắt tôi lui nhà sau, bà Thực chỉ chiếc Cúp 81 nói: “Doạ không được thì phải chìu ông ấy. Cái xe này là thằng con đầu dành dụm tiền mua tặng bố để ông ấy đi làm cho bớt cực...”.

Ông Vợt ngồi trong phòng khách vọng ra: “Tuổi già không cần tiền nhưng cần niềm vui. Với lại ngồi không cảm thấy bủn rủn chân tay, đi tuyên truyền vừa thư dãn cho khoẻ người vừa giúp bà con nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng để thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị. Còn sống thì tôi còn làm mõ. Già rồi nhưng tôi vẫn còn có ích lắm...”.

Theo Hoàng Văn Minh
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm