1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Bình:

Dân “truy” trách nhiệm dự án trường đại học trăm tỷ “đắp chiếu”

(Dân trí) - Dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình) xây dựng chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí tài sản nhà nước khiến nhiều người dân địa phương bức xúc và đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị có liên quan.

Dân “truy” trách nhiệm dự án trường đại học trăm tỷ “đắp chiếu” - 1

Dân “truy” trách nhiệm, lãnh đạo tỉnh “phớt lờ”

Liên quan đến dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình) được triển khai xây dựng từ năm 2011 (tại xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình), sau nhiều năm đến nay vẫn chưa hoàn thành, “đắp chiếu” vì đói vốn (báo Dân trí đã phản ánh trong bài viết: Trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm vì… thiếu vốn), tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến vấn đề này, yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình làm rõ.

Các đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình đặt câu hỏi: Việc triển khai xây dựng trường đại học Hoa Lư chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí tài sản của nhà nước, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị có liên quan? Có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án và cho biết dự kiến thời gian thực hiện cụ thể?

Dự án trường đại học Hoa Lư xây dựng nhiều năm nay chưa xong, hiện đang đắp chiếu vì... thiếu vốn.
Dự án trường đại học Hoa Lư xây dựng nhiều năm nay chưa xong, hiện đang "đắp chiếu" vì... thiếu vốn.

Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã trả lời ý kiến các đại biểu về những vấn đề nêu trên. Ông Thìn cho biết, dự án đầu tư xây dựng trường ĐH Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình giao cho Trường ĐH Hoa Lư làm chủ đầu tư và được phê duyệt năm 2011 với 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư là 1.352 tỷ đồng; thời gian khởi công – hoàn thành từ năm 2011 đến năm 2016.

Tuy nhiên, ngày 7/4/2014, tại Quyết định 229/QĐ-UBND, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt lại dự án với tổng mức đầu tư là 421 tỷ đồng.

“Đến nay dự án đã thi công với khối lượng đạt khoảng trên 200 tỷ đồng, số vốn đã bố trí là hơn 226 tỷ đồng (chiếm 54% tổng mức đầu tư). Các hạng mục được đầu tư xây dựng gồm: Nhà hiệu bộ, nhà thư viện, giảng đường A-B, xưởng thực hành, nhà y tế; hạ tầng kỹ thuật: san lấp mặt bằng, đường nội bộ, bãi đỗ xe, cổng tường rào”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thông tin.

Về việc xây dựng chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho hay: Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa thể tiếp tục được triển khai. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan, nghiên cứu, thực hiện rà soát lại các hạng mục đầu tư, thực hiện giãn hoãn, cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết; Lựa chọn các hạng mục quan trọng, thiết yếu để tiếp tục tập trung đầu tư dứt điểm.

Về nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí để thanh toán bợ xây dựng cơ bản cho dự án; ngân sách địa phương sẽ huy động các nguồn lực, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn thiện các hạng mục công trình, đưa các hạng mục công trình trên vào bàn giao, sử dụng, qua đó phát huy được hiệu quả đầu tư.

Tòa nhà 10 tầng của dự án xây dựng xong phần thô rồi bỏ mặc nắng mưa hủy hoại
Tòa nhà 10 tầng của dự án xây dựng xong phần thô rồi bỏ mặc nắng mưa hủy hoại

Về ý kiến Đại biểu HĐND “truy” trách nhiệm các sở ngành, đơn vị có nhiệm liên quan, vị đại diện UBND tỉnh Ninh Bình khi trả lời đã không đề cập đến trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan đến dự án trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm này.

Trường đại học trăm tỷ vẫn… bỏ hoang

Trước đó, như báo Dân trí đã phản ánh, dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình) được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay đang bỏ hoang giữa cánh đồng. Các hạng mục bên trong dự án được xây dựng dở dang rồi bỏ mặc nắng mua hủy hoại.

Theo đó, “công trình trọng điểm” của tỉnh Ninh Bình này giờ biến thành nơi chăn thả trâu bò, để mặc cỏ dại mọc um tùm khắp nơi. Nhiều người dân xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình không khỏi xót xa cho công trình tiền tỷ bị bỏ mặc phơi mưa phơi nắng này.

Nhiều người dân còn bức xúc, hàng chục ha đất “bờ xôi ruộng mật” của họ đang sản xuất tốt đã bị thu hồi để phục vụ dự án nhưng đến nay “không đâu vào đâu”, dân thì mất đất sản xuất, còn tiền của nhà nước đổ và xây dựng dự án thì bỏ hoang, gây lãng phí, nợ công tăng cao.

Cổng trường được xây dựng nhưng chưa có cánh cửa nên người dân tự do đưa trâu bò vào chăn thả, biến nơi đây thành bãi đất hoang, nơi chăn thả gia súc.
Cổng trường được xây dựng nhưng chưa có cánh cửa nên người dân tự do đưa trâu bò vào chăn thả, biến nơi đây thành bãi đất hoang, nơi chăn thả gia súc.

Ghi nhận của PV Dân trí, toàn bộ dự án trường ĐH Hoa Lư nằm trên diện tích đất rộng hiện nay vẫn đang bỏ hoang, mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà cao 10 tầng. Bên cạnh đó, các hạng mục nhà chức năng, giảng đường chỉ mới chỉ đổ nền móng và dựng nhiều cột bê tông cốt thép.

Các phòng học vẫn chưa được xây dựng, một hệ thống tường rào bao quanh dự án được xây dựng từ nhiều năm, nhưng nhiều đoạn vẫn chưa được rào chắn. Trường có hai cổng vào, tuy nhiên cũng chỉ mới được xây dựng sơ sài rồi để đó, chưa có cửa... Ngoài những hạng mục xây dựng xong nửa chừng rồi để mặc nắng mưa hủy hoại, xung quanh khuôn viên của trường cỏ dại mọc um tùm, nhiều đống đất đá, vật liệu nằm ngổn ngang khắp nơi khiến nơi đây như một bãi hoang.

“Khi có dự án, thu hồi đất sản xuất, giá đền bù rẻ nhưng chúng tôi cũng vui mừng vì tương lai khi trường đại học đưa vào sử dụng nơi đây sẽ phát triển thành trung tâm giáo dục của tỉnh. Chờ mãi chẳng thấy trường xây xong, giờ thì bỏ hoang. Tiếc số tiền xây trường, tiếc cả đất nông nghiệp bỏ hoang nữa chú à’, một người dân nói.

Trái ngược với dự án trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu”, ngôi trường ĐH Hoa Lư hiện nay vẫn đang còn đáp ứng đủ nhu cầu học tập của sinh viên trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, những năm gần đây số lượng sinh viên tuyển sinh mới của trường bị còn sụt giảm dẫn đến nhiều phòng học, phòng chức năng… của ngôi trường này chưa sử dụng hết công năng.

Chưa biết đến bao giờ, dự án trường ĐH Hoa Lư mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chưa biết đến bao giờ, dự án trường ĐH Hoa Lư mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Để tìm hiểu rõ thực trạng vấn đề trên, trước đó PV Dân trí đã đến gặp ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Lư, vị hiệu trưởng cho biết, dự án do trường làm chủ đầu tư nhưng nguồn vốn do UBND tỉnh cấp, vì thế phải có ý kiến của văn phòng UBND tỉnh ông mới dám trả lời những vấn đề có liên quan về dự án này.

Trao đổi qua điện thoại, ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình cho phóng viên biết, lãnh đạo tỉnh từ chối trả lời về dự án và mong muốn phóng viên không phản ánh về vấn đề trên.

Thái Bá