Cần Thơ:

Dân thương hồ chợ nổi “tiễn” ông Táo về trời như thế nào?

(Dân trí) - Hôm nay 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời - nhưng vì “chén cơm” ngày cận Tết nên đa phần dân thương hồ ở Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) dành hết buổi sáng cho việc buôn bán. Buổi chiều họ mới tổ chức “đưa” ông Táo, bà Táo về trời.

Sáng còn bận bán hàng…

Khoảng 7 giờ sáng nay, PV Dân trí nhờ một tài công chở quanh Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) mới thấy hết cảnh mua bán tấp nập của dân thương hộ vào những ngày cận Tết. Trên một đoạn sông rộng (một nhánh của sông Hậu chảy qua quận Cái Răng) chạy dài gần 1km, hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ xuôi ngược và neo đậu tại chỗ… ghe nào cũng chất ngồn ngộn những “núi” rau, cũ, quả tươi ngon. Tuy nhiên những ngày cận Tết như thế này, mặt hàng dưa hấu hầu như bao chiếm hết Chợ nổi Cái Răng.

Những ngày cận Tết thế này, cảnh buôn bán ở Chợ nổi Cái Răng rất xôm tụ
Những ngày cận Tết thế này, cảnh buôn bán ở Chợ nổi Cái Răng rất xôm tụ

Tài công đưa chúng tôi len lỏi vào vùng trung tâm của Chợ nổi Cái Răng. Ở đây, không khí mua bán sôi động hẳn lên, những tiếng máy nổ của những chiếc ghe chở hàng và tàu đưa khách du lịch, ghe bán hàng rong… không lấn át được tiếng chào hàng, chào giá của hàng trăm khách thương hồ quanh năm cứ bồng bềnh ở chợ nổi xôm tụ nhất miền Tây này.

Vừa chuyển xong 100kg củ sắn cho khách hàng, anh Nguyễn Văn Thành (57 tuổi) – một thương hồ ngụ tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chuyên mua bán nông sản ở Chợ nổi cho biết: “Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời, dân buôn bán ở đây ai cũng nhớ ngày này nhưng sáng nay đa phần bà con tập trung trao đổi mua bán, do vậy, thông thường là từ trưa cho đến buổi chiều, khách thương hồ như chúng tôi mới chuẩn bị mâm cơm hoặc bánh kẹo, trái cây gì đó để cúng và đưa ông Táo bà Táo về trời theo tục lệ của ông bà.”

Những ngày cận Tết thế này, cảnh buôn bán ở Chợ nổi Cái Răng rất xôm tụ
Dù biết hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời nhưng những khách thương hồ như ông Thành buổi sáng phải tập trung lo chuyện buôn bán

Chị Nguyễn Thị Diễu – một thương hồ láng giềng với anh Thành vui vẻ cho biết thêm: “Những ngày cận Tết như thế này dân buôn bán chúng tôi như chạy đua với thời gian để làm sao mua nhiều hàng hóa rồi bán ra nhiều, chuẩn bị cho cái tết đầm ấm với gia đình sau những tháng ngày trôi nổi trên sông. Riêng ngày 23 tháng Chạp hàng năm, buổi sáng chúng tôi lo bán hàng nhưng buổi chiều dù bận mấy cũng phải cúng ông Táo, Bà Cậu… phù hộ cho việc buôn bán và gia đình bình an.”

Sáng nay, khi dạo quanh một vòng Chợ nổi Cái Răng, cảnh mua bán của khách thương hồ vô cùng tấp nập. Người người khẩn trương bỏ hàng hóa lên bàn cân rồi tính tiền và hối hả chuyển rau, củ, quả từ ghe này sáng ghe khác... Ai nấy như đang chạy đua với thời gian. Lúc này ngẫm câu “gấp như gấp tết” mới thấy gần gũi và đúng thật.


Chiều đưa ông Táo về trời

Dân thương hồ ở Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) cũng như bao người dân Việt Nam khác vẫn duy trì tập tục cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy nhiên, hầu hết vào buổi sáng nay, bà con tập trung hết vào việc giao thương, chỉ một ít chủ ghe họ giao con cháu chuẩn bị lau chùi bàn thờ, mua ít trái cây… để buổi trưa và chiều cúng ông Táo, bà Táo.

Bà Lê Thị Thoa – một thương hồ chuyên mua bán dưa hấu ở Chợ nổi Cái Răng chia sẻ: “Tôi đi ghe đã hơn 20 năm rồi và hễ đến ngày 23 tháng Chạp là tôi thấy cha mẹ tôi bày biện mâm cơm, có khi là bánh kẹo để cúng ông Táo bà Táo. Từ tập tục này, cha mẹ, truyền lại cho tôi và nay đến tôi thì dù bận mấy đến buổi chiều là phải cúng ông Táo. Theo tôi đây là một tập tục tốt, vì nghe cha mẹ kể lại, ông Táo là người ở trong bếp nên biết hết chuyện trong nhà, từ chuyện vui, chuyện buồn… Do vậy, khi cúng ông Táo, vợ chồng, con cái có một lúc nhớ lại những chuyện vui, chuyện buồn của gia đình trong năm qua… Khi cúng ông Táo, một mặt gia chủ xin ông Táo bỏ qua những lỗi lầm, mặt khác cầu ông Táo ban phước để gia đình đầm ấm, mua may, bán đắt…”.

Những ngày cận Tết thế này, cảnh buôn bán ở Chợ nổi Cái Răng rất xôm tụ
Đa số khách thương hồ cũng mong có buổi chợ "mua may bán đắt" để buổi chiều đưa ông Táo về trời rôm rả hơn

Về mâm cúng, ông Táo bà Táo năm nay, bà Thoa cho biết, do ở dưới ghe nên gia đình bà cũng tổ chức đơn giản, nhưng cũng làm mâm cơm mặn, có bánh kẹo, trầu cau, nhan đèn và một đĩa trái cây. Nhất là không thể thiếu mũ áo và con cá chép giấy cho ông Táo bà Táo về trời.

Riêng hộ anh Nguyễn Văn Thành cho biết: “Những năm ở trên bờ, vợ chồng tôi cũng tổ chức cúng ông Táo đầy đủ lắm nhưng năm nay do mình sống với ghe nên chỉ mua ít bánh kẹo, đĩa trái cây… cúng cho ông Táo bà Táo trước khi về trời trình báo với Ngọc Hoàng”.

Những ngày cận Tết thế này, cảnh buôn bán ở Chợ nổi Cái Răng rất xôm tụ
Chị Lai Ngân Hà - con gái của bà Thoa được mẹ giao cho việc lau dọn bàn thờ và nấu mâm cơm đưa ông Táo, bà Táo về trời khi buổi chợ sáng xong

Ngoài ra, anh Thành còn cho biết, với dân thương hồ như anh vào ngày 16 và 29 âm lịch hàng tháng là hay tổ chức cúng Bà Cậu (dân thương hồ tuyên truyền có một Bà cụ và hai cậu con trai chuyên giúp đỡ những người gặp nạn trên sông…) và trong ngày 23 tháng chạp này, nhiều bà con thương hồ không chỉ cúng ông Táo mà còn tổ chức cúng Bà Cậu để cầu mong việc mua bán thuận lợi và gia đình bình an khi sống trên sông nước.

Riêng về tập tục thả cá chép, hầu hết khách thương hồ ở Chợ nổi Cái Răng đều cho biết, họ cũng muốn thực hiện việc này tuy nhiên đa phần do bận chuyện buôn bán nên chỉ một vài hộ thả cá chép xuống sông. Đa phần còn lại, đến buổi chiều, họ mua ít bánh kèo, đĩa trái cây hoặc làm mâm cơm nhở… thành tâm đưa ông Táo bà Táo về trời rồi họ tất bật quay lại việc mua bán, nhất là vào những ngày tết như thế này.

Nấu chè, luộc thịt cúng ông Táo

Không thả cá chép đưa ông Táo về trời như các địa phương khác, nhiều hộ gia đình ở Bạc Liêu nấu chè, luộc thịt… để cúng ông Táo. 

Chị Tư (một hộ dân ở huyện Vĩnh Lợi) cho biết, năm nào nhà chị cũng cúng tiễn Ông Táo đúng vào ngày 23 tháng Chạp. Năm nay nhà chị nấu chè sôi nước để cúng Ông Táo và đây cũng là đồ cúng không riêng gì nhà chị mà nhiều nhà khác ở Bạc Liêu cũng làm để cúng. Theo chị Tư, tầm khoảng 5, 6 giờ sáng, gia đình chị đã thức để nấu đồ cúng. Sau khi chè chín, chị múc ra tô rồi mang ra chỗ bếp đun bằng củi (thường là lò đất nung có 3 chân được ví như "3 ông bà Táo") và thắp nhang cúng.

“Chúng tôi cúng tiễn ông Táo từ khoảng 7h sáng, khấn vái ông Táo về trời báo một năm cũ sắp hết với bao nhiêu chuyện xảy ra trong gia đình và cầu mong một năm mới cửa nhà, bếp núc, công ăn việc làm sẽ luôn gặp điều may”, chị Tư chia sẻ.

Dân thương hồ chợ nổi “tiễn” ông Táo về trời như thế nào?
Người dân Bạc Liêu nấu chè sôi nước để cúng tiễn ông Táo ngay trong khu bếp nhà mình. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Một số vùng quê của tỉnh Bạc Liêu, không khí mua cá chép cúng ông Táo không quá sôi nổi nhộn nhịp như các vùng miền khác nhưng không vì thế mà ý nghĩa của ngày này “nhạt nhẽo” bởi người dân nơi đây quan niệm năm cũ đi qua, năm mới sẽ đến với nhiều tốt đẹp hơn nhờ có ông Táo chăm lo cho miếng ăn, căn bếp trong nhà.    

                                             Huỳnh Hải

Nguyễn Hành