1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Dân thi nhau đục phá kênh thủy lợi “cướp” nước

(Dân trí) - Hạn hán gay gắt, ruộng vườn khô khốc, không chờ đến phiên nước, nhiều hộ dân ở đầu kênh của hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định) đã đục các tuyến kênh bê tông, phá cửa đóng mở nước của hồ “cướp” nước cứu lúa và hoa màu.


Tình trạng trên kéo dài nhiều năm nay, không chỉ làm thất thoát lớn lượng nước còn ít ỏi trong hồ Hội Sơn, phá vỡ kế hoạch điều phối nước của ban quản lý hồ mà khiến cho 50 ha đất sản xuất lúa, hoa màu của các hộ dân sống ở phía cuối kênh bỏ trắng. Thậm chí, làm mất cả nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, đồng thời tạo ra nhiều mối nguy hại cho công trình.

Dân thi nhau đục phá kênh thủy lợi “cướp” nước
Dân đục phá kênh thủy nông lấy nước khiến hàng chục ha đất sản xuất bỏ hoang, hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Văn Tuấn, tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Hội Sơn, cho biết, hiện nước trong hồ Hội Sơn chỉ còn 13,8 triệu m3/45 triệu m3 theo thiết kế. Tổ đầu mối có 3 cán bộ, nhân viên, ngoài nhiệm vụ quản lý hồ, tổ này còn có trách nhiệm dẫn nước tưới cho gần 180 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc địa bàn thôn Hội Sơn (xã Cát Sơn) và tiếp nước cho hồ Thạch Bàn (cùng ở xã Cát Sơn), hiện đang trơ đáy. Tuy nhiên, việc tiếp nước cho các vùng thiếu nước nghiêm trọng đang gặp nhiều khó khăn vì 2 tuyến kệnh chính NC và NC1 bị người dân đục thủng quá nhiều lỗ, nước bị thất thoát ngay từ đầu kênh, không thể đến nơi cần cứu hạn.

“Việc tiếp nước cho hồ Thạch Bàn để tưới cho 44 ha, nhưng hiện chỉ cung cấp được khoảng hơn 10 ha. Nước trong hồ thì ít, chảy ít, trong khi đó người dân đục phá các lỗ trên 2 tuyến kênh trên nên nước không chảy xuống hồ Thạch Bàn được”, ông Tuấn nói.

Người dân đập hỏng cả máy mở đóng nước tại các cụm điều phối nước của hồ Hội Sơn
Người dân đập hỏng cả máy mở đóng nước tại các cụm điều phối nước của hồ Hội Sơn

Ông Trần Nghệ, nhân viên tổ đầu mối hồ Hội Sơn dẫn chúng tôi đi dọc 2 tuyến kênh NC và NC1, giải thích: “Do xã Cát Sơn có địa hình miền núi, diện tích đất sản xuất là ruộng bậc thang nên việc điều tiết nước rất khó. Hơn nữa, hạn hán gay gắt nên chỗ nào có tuyến kênh đi qua đều bị dân đục phá lấy nước. Chỗ nào có ruộng là người dân đục phá lấy nước, thâm chí có đám ruộng chỉ 100-200 m2 người dân cũng đục một lỗ để lấy nước”.

Theo quan sát, chỉ vài km trên kênh NC và NC1 có hơn 100 lỗ thủng do người dân đục để lấy nước vào ruộng sản xuất. Thậm chí, nhiều lỗ bị đục rộng đến 20cm, đưa qua đường ống lớn chôn ngầm dưới đất đưa nước về nhà phục vụ chăn nuôi, tắm cho gia súc. “Lợi dụng buổi trưa hay ban đêm, người dân lén lút đục phá kênh để lấy nước vào ruộng. Khi anh em trong tổ kiểm tra phát hiện đã báo cáo sự việc chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Vừa rồi UBND xã có hỗ trợ kinh phí để trám bít các lỗ thủng, nhưng trám hôm nay thì hôm sau lại bị phá”, anh Nghệ nói.

Không chỉ vậy, nhiều máy đóng mở, điều tiết nước thuộc hệ thống kênh tưới hồ Hội Sơn còn bị nhân dân dân địa phương phá hư hỏng. “Tại các cụm điều tiết nước đều có máy đóng mở điều tiết nước nhưng nhiều người dân manh động đập hư hỏng cả máy. Nhiều lúc anh em trong tổ đầu mối đi kiểm tra, phát hiện người dân “ăn cắp” nước nên nhắc nhở còn bị người dân hăm dọa, thậm chí hành hung”, ông Tuấn bức xúc nói.


Người dân đập hỏng cả máy mở đóng nước tại các cụm điều phối nước của hồ Hội Sơn
Giếng nước tập thể thôn Thạch Bàn Đông cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 hộ trong xóm đã trơ đáy cả tháng nay

Chị Nguyễn Thị Cỡ (34 tuổi, ở xóm Sơn Quy, thôn Thạch Bàn Đông, xã Cát Sơn) cho biết: “Hạn hán kéo dài, nước ở hồ Hội Sơn ít, trong khi nước hồ cấp ra bao nhiều thì người dân đầu nguồn “ăn cướp hết” không tiếp nước được cho hồ Thạch Bàn dẫn đến cạn kiệt nhiều tháng nay. Nước không có nhiều diện tích sản xuất bỏ hoang, chưa nói mạch nước ngầm cũng đứt, không có nước sinh hoạt nên gia đình phải đi qua làng bên xin nước về dùng".

Ông Võ Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, lo lắng: Hiện thôn Thạch Bàn Đông có 290 hộ dân với 1.200 nhân khẩu hiện đang bị thiếu nước sinh hoạt đến 40%. Nếu trong 10 ngày tới nắng nóng vẫn tiếp tục thì số hộ dân khát nước sẽ còn tăng hơn. Do hạn hán, nước hồ Hội Sơn không dẫn về hồ Thạch Bàn được nên 50 ha đất SXNN tại thôn Thạch Bàn Đông bị bỏ giá trong vụ hè thu này. Trong khi đó, vì cứu cây trồng người dân bất chấp luật lệ, lén lút đục thủng kênh lấy nước vào ruộng khiến địa phương cũng khó xử lý.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Bá Quyền, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 2 (thuộc Cty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định), cho biết, ngay sau khi nhận được kiến nghị của địa phương, chúng tôi đã làm việc với UBND huyện Phù Cát và thống nhất giao cho HTX Nông nghiệp và UBND xã Cát Sơn phải kiên quyết lấp các lỗ bị đục trên thành kênh; kiên quyết xử lý người dân tự ý đục phá kênh. Đồng thời, khẩn trương thành lập đội thủy nông dẫn nước vào ruộng, không để dân tự ý lấy nước bừa bãi; phải phân lịch tưới cho từng tuyến kênh mới còn nước để cứu hạn vụ hè thu.

Doãn Công
(ledoancong@dantri.com.vn)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm