Dân thấp thỏm lo lũ lên lúc nửa đêm
(Dân trí) - Chiều ngày 3/12, hầu khắp các tuyến đường ở TP Hội An đều chìm trong biển nước, nước tiếp tục dâng cao khiến người dân thấp thỏm lo lắng. Dân Hội An sợ nhất là nước lụt lên lúc nửa đêm. Cũng từ chiều tối 3/12, do mưa lớn kèm với việc xả lũ ở các hồ chứa, thủy điện khiến một số nơi tại tỉnh Thừa Thiên Huế nước sông tràn bờ và lũ bắt đầu lên.
Từ trưa 3/12, nước sông Hoài (Hội An, Quảng Nam) bắt đầu dâng cao, hầu khắp các tuyến đường ven sông đều ngập nước.
Được thông báo từ sớm nên người dân đã sẵn sàng kê cao đồ đạt để chuẩn bị ứng phó với tình hình nước dâng cao khi thủy điện xả lũ. Tuy nhiên, nước lụt dâng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Việc buôn bán của các nhà hàng ven sông bị gián đoạn do nước lụt dâng cao, người dâng liên tục kê cao đồ đạc theo độ lớn của con nước.
Tuyến đường từ phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) đi Hội An hầu như bị chia cắt hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, các lực lượng chức năng được chia túc trực trên các tuyến đường bị lũ chia cắt để hướng dẫn giao thông.
Bà Lê Thị Hai – một người dân phố cổ - lo lắng: “Nếu nước lụt tiếp tục dâng thế này thì không biết phải dời đồ đạc đi đâu. Việc nước dâng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh cũng như đi lại của người dân”.
Trong ngày 3/12, TP Hội An phát thông báo về tình hình mưa, lũ trên sông Thu Bồn tại Hội An. Theo đó, lúc 9h sáng ngày 3/12, mực nước trên sông Thu Bồn tại Hội An là 0,72m dưới BĐ2 0,28m. Dự báo chiều và đêm 3/12, mực nước lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục lên, tại Hội An là 1,7m dưới báo động III là 0,3m.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND TP Hội An yêu cầu Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố và Đài truyền thanh UBND các xã, phường thông báo về tình hình mưa, lũ trên hệ thống truyền thanh để nhân dân biết và chủ động trong công tác phòng chống.
Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường; đặc biệt là các địa phương vùng thấp lụt, dọc triền sông như Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh An, Sơn Phong, Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Nam thường xuyên theo dõi diễn biến của tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động ứng phó; đồng thời, chủ động triển khai phương án phòng tránh lũ của địa phương mình. Nghiêm cấm việc dùng thuyền để đi lại, vận chuyển người, du khách khi lũ đang diễn ra.
Các địa phương có tàu thuyền, BQL bến thủy nội địa, Đồn Biên phòng Cửa Đại tổ chức việc kiểm tra hướng dẫn cho nhân dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, đúng nơi quy định, cương quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền khi xảy ra lũ lụt.
BQL chợ Hội An thông báo cho các hộ tiểu thương về tình hình lũ để chủ động bảo vệ tài sản.
Ngập lụt ở Hội An
Cùng thời điểm này, lũ cũng đang lên tại Thừa Thiên Huế. Theo đó, vào 16h ngày 3/12 ở hồ thủy điện Bình Điền có mực nước +84,77m (cao trình ngưỡng tràn +73m). Hồ đã xả về hạ du 1.109m3/s. Ở hồ thủy điện Hương Điền xả về hạ du 571m3/s. Vào 17h chiều, mực nước hồ Tả Trạch là +42,3m. Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu từ 21h tối nay, hồ sẽ bắt đầu mở cửa xả tràn về hạ du với lưu lượng khoảng 300-500m3/s để đưa mực nước hồ về mức +40m.
Mực nước sông Hương tại trạm Kim Long vào chiều tối 3/12 là 2,14m, trên báo động II là 0,14m. Mực nước sông Bồ tại trạm Phú Ốc là +2,45m, dưới báo động II là 0,55m. Qua quan sát, một số vùng ở huyện vùng trũng Quảng Điền nước đã tràn bờ như một số đường tỉnh lộ, đường Nguyễn Chí Thanh, đường liên thôn ở các xã Quảng Thành, Quảng An, đập tràn Thủ Lễ… nước bắt đầu ngập. Tại huyện Phú Vang, Phú Lộc một số vùng cũng đã bị nước ngập.
Tại TP Huế, nước đã tràn qua Đập Đá buộc cơ quan chức năng phải bỏ biển cấm các phương tiện không được qua lại. Nước sông Hương hiện đang gần tràn bờ. Riêng một số đường như Hùng Vương, Bến Nghé, Trần Quang Khải, Đống Đa bị ngập do mưa lớn nước thoát không kịp, đường bị ngập từ 0,2 đến 0,5m. Đặc biệt nhiều đường đang trong giai đoạn thi công ngập sâu hơn, phải gắn bảng chỉ dẫn, cảnh báo cho người dân.
Nước lũ tràn Đập Đá, TP Huế
Nước ngập cục bộ tại một nhà ở huyện Phú Lộc
Đập Đá nước tràn trong đêm 3/11
N.Linh - C.Bính - Đại Dương - Văn Dinh