Hà Nội:

Dân phản đối công trình đang thi công sát hồ Gươm

(Dân trí) - Dự án Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm và Văn phòng làm việc của Ban quản lý khu vực hồ Gươm đang được thi công tại khu đất số 2 Lê Thái Tổ sát hồ Gươm khiến dư luận rất bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, dự án này tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, sát hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ) và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Công trình gồm khối nhà 3 tầng 1 tum và 1 tầng hầm, chiều cao 12 m, mật độ xây dựng 80%, tổng vốn đầu tư 10,3 tỷ đồng.

Công trình đang tàn phá quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Công trình đang tàn phá quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Trước đây, năm 2010, cũng trên khu đất này, Ban quản lý khu vực hồ Gươm triển khai thi công công trình trụ sở làm việc mới của Ban quản lý song đã bị đình bởi vấp phải sự phản ứng dữ dội của đông đảo người dân, của các nhà sử học cũng như chưa nhận được sự đồng thuận từ phía chính quyền. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì công trình lại tiếp tục được khởi công từ tháng 6/2014.

Công văn số 2981 ngày 5/10/2012 của Sở Quy hoạch kiến trúc gửi UBND thành phố Hà Nội nêu ý kiến của các Hội đồng kiến trúc thiên về phương án đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Theo phương án này, chức năng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm là nơi giới thiệu về lịch sử Hà Nội, lịch sử hồ Gươm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch và một phần làm việc của Ban quản lý khu vực hồ Gươm.

Tiếp đó, trong Công văn số 350 ngày 13/12/2012 của Sở Quy hoạch kiến trúc gửi UBND thành phố Hà Nội, phần phương án đề xuất chức năng xây dựng công trình nêu: “Nhận xét chung phương án đề xuất công trình có chức năng công cộng, chức năng trung tâm thông tin văn hóa về Hồ Gươm là chủ trương được đa số thành viên Hội đồng ủng hộ (8/14 phiếu)”.
Cũng tại văn bản này, Sở Quy hoạch kiến trúc đề xuất với UBND thành phố Hà Nội phương án: Công trình có quy mô 2 tầng, chức năng trung tâm văn hóa thông tin và trưng bày.

Tuy nhiên, trong tờ trình số 71 ngày 12/12/2013 của Ban quản lý xây dựng công trình công ích gửi Phòng quản lý đô thị lại nêu: “Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm được xây dựng với 2 chức năng chính là Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm và Văn phòng làm việc của Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm. Phần xây dựng gồm 3 tầng. Tầng 1, phía ngoài để trồng cây và thảm cỏ, bên trong là phòng thông tin văn hóa, triển lãm. Tầng 2 bố trí văn phòng làm việc cho Ban quản lý. Tầng 3 làm phòng đa năng, tổ chức sự kiện.”

Điều đáng nói ở đây là chức năng của tòa nhà tầng 3 làm phòng đa năng, tổ chức sự kiện không có trong các văn bản trước đó trình lên UBND quận, Sở Quy hoạch kiến trúc, Hội kiến trúc.

Như vậy, trong các văn bản từ thời điểm ngày 5/10 đến ngày 13/12/2012, chức năng chính của công trình chỉ là công trình công cộng, chức năng trung tâm văn hóa thông tin. Tuy nhiên, ngày 12/12/2013, Ban quản lý xây dựng công trình công ích gửi Phòng quản lý đô thị thì công trình lại có chức năng tầng 3 làm phòng đa năng, tổ chức sự kiện.

Theo quan điểm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư cần tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà chuyên môn và người dân về mục đích, ý nghĩa công trình. Vậy nhưng chủ đầu tư đã không tham khảo ý kiến các nhà sử học về mục đích, ý nghĩa, cách thức xây dựng công trình như thế nào để tăng hàm lượng văn hóa lịch sử cho Hồ Gươm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Một điểm đáng chú ý khác, Công văn số 2981 ngày 5/10/2012 của Sở Quy hoạch kiến trúc gửi UBND thành phố Hà Nội có nội dung: “Trên mái có thể khai thác làm không gian giải khát, ngắm cảnh Hồ Gươm”. Như vậy, một công trình công cộng, trung tâm thông tin văn hóa hồ Gươm lại biến thành nơi kinh doanh!

Ghi nhận của chúng tôi, mong muốn của đông đảo người dân thủ đô là UBND TP Hà Nội sẽ sử dụng khu đất này làm một vườn hoa nhỏ, giữa đặt tượng bán thân cụ Lương Văn Can, có thêm một tấm bia nhỏ ghi một số điểm chính về sự kiện Đông Kinh Nghĩa Thục với vị Hiệu trưởng đáng kính là Lương Văn Can cũng có nhà ngay trong phố Hàng Đào (nhà số 4).

Việc dựng tượng Lương Văn Can - người đứng đầu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục - ở vị trí gần bờ hồ Gươm còn có một ý nghĩa lớn là gắn liền Đông Kinh Nghĩa Thục với cả một hệ thống trường học nổi danh một thời quanh hồ Gươm với những danh sĩ như trường Kim Cổ của Cử nhân Ngô Văn Dạng, trường Lỗ Am của Vũ Tùng Phan, trường Vũ Thạch của Cử nhân Nguyễn Huy Đức, trường Đại tập của tiến sĩ Lê Đình Diên…

Cho nên việc dựng tượng nhà văn hóa yêu nước, có tư tưởng đổi mới Lương Văn Can tại khu vực Hồ Gươm là đúng đắn, vừa có ý nghĩa văn hóa, mà còn mang ý nghĩa yêu nước.

 

Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Hà Nội phải cân nhắc lại chuyện xây dựng trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

“Công trình xây dựng này đã bị dừng một lần rồi chính là do dư luận xã hội, tổ chức xã hội nên chính quyền đã phải dừng lại. Vậy khi triển khai nó thì phải trả lời câu hỏi dư luận xã hội đã đặt ra trước đây nhiều năm. Cái thứ hai là không có gì tốt bằng ta công khai cái chuyện đó lên, xây ở đó cái gì, kiến trúc như thế nào, tác động đến cảnh quan đến đâu, có tác động xấu không... chỉ khi đó người ta mới có thể có sự đồng thuận cao hoặc là có sự đóng góp ý kiến cho xác đáng” - lời Đại biểu Dương Trung Quốc. 

 
Tiến Nguyên