1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Dân ngao ngán vì đò "tử thần" thu phí "cắt cổ"

(Dân trí) - Từ năm 2012, mức phí qua đò ở bến Nam Phong (xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) bỗng tăng vọt từ 150.000đ lên 360.000đ/tháng, khiến hàng chục giáo viên trường Mầm non và Tiểu học số 2 Phong Hóa phải chọn cách đi bộ đến trường.

Miễn phí cho cán bộ xã, giáo viên “chém” 360 ngàn đồng

Nhiều giáo viên trường Mầm non và Tiểu học số 2 Phong Hóa, xã Phong Hóa, phản ánh về thực trạng mức phí qua đò ở bến Nam Phong tăng “chóng mặt” kể từ sau Tết Nhâm Thìn. Gần 20 giáo viên nơi đây lương thấp, đời sống khó khăn, đành chọn cách gửi xe máy bên này sông, sau khi sang bờ bên kia thì đi bộ hơn 1km đường đất bùn lầy để đến trường dạy học.

Qua tìm hiểu được biết, trước Tết, mức phí qua đò là 150 ngàn đồng/tháng/người (người và xe máy). Sau Tết bỗng nhiên chủ đò tăng giá lên… 360 ngàn đồng/tháng/người. Đây là một mức giá quá cao so với mức thu nhập của nhiều người dân địa phương, trong đó có các giáo viên nên họ thà để xe máy lại bờ bên này.

Dân ngao ngán vì đò tử thần thu phí cắt cổ

Những chuyến đò "tử thần" với mức giá cao ngất ngưởng

Cô A.N., giáo viên trường Tiểu học số 2 Phong Hóa, chia sẻ: “Đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi thế này mà phải đóng với mức phí qua đò cao như thế thì bọn em chịu răng nổi. Em vì đang mang bầu nên phải “cắn răng” đóng phí qua đò hàng tháng để đảm bảo sức khỏe chứ còn hầu hết các thầy cô trong trường đều phải gửi xe bên kia sông, cực nhọc đi bộ hơn 1km đến trường”.

Không chỉ gần 20 giáo viên trường Mầm non và Tiểu học số 2 Phong Hóa bị chủ đò "chặt chém" mà cán bộ y tế xã Phong Hóa phục vụ bên kia sông Gianh cũng chịu cảnh tương tự. Trong khi đó, các cán bộ xã lại được chủ đò "ưu tiên" phục vụ tận tình, miễn phí. “Chúng tôi cũng là cán bộ viên chức, cũng phục vụ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng không hiểu tại sao chủ đò và UBND xã Phong Hóa lại có sự phân biệt đối xử như thế”, một giáo viên bức xúc.

Không chỉ vậy, vào những ngày mưa lũ hay ngày lễ tết, chủ đò còn “hét” giá 30 – 50 ngàn đồng/lượt qua đò khiến nhiều người dân bất bình. Nhưng vì đây là cách duy nhất qua sông nên đành chấp nhận. Được biết hàng tháng mức phí mà chủ đò là ông Mai Văn Hoài phải đóng cho UBND xã Phong Hóa là 1,4 triệu đồng.

“Giáo viên, cán bộ y tế xã chỉ phục vụ một điểm”

Trước những bức xúc của giáo viên, cán bộ y tế xã Phong Hoá, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phong Hoá. Ông Hương một mực khẳng định: “Mức phí qua đò được xã quản lí chủ đò rất chặt chẽ và chủ đò chỉ được thu với mức phí 60 – 80 ngàn đồng/tháng; 1.000 đồng đối với người đi bộ, 2.000 đồng/người/xe đạp và 3.000 đồng/người/xe máy”.

Khi PV nêu mức phí hiện tại thì ông Hương tỏ ra “ngạc nhiên”, nói làm gì có chuyện đó. Hỏi tại sao cán bộ xã được miễn phí qua đò trong khi giáo viên và cán bộ y tế xã lại thu với giá “cắt cổ” như thế thì ông Hương thẳng thắn: “Cán bộ xã lương bổng thấp, lại phục vụ nhiều nơi, đi lại suốt nên phải được miễn phí chứ. Còn giáo viên và cán bộ y tế xã chỉ phục vụ một điểm nên phải đóng mức thu phí qua đò là điều đương nhiên”.

Dân ngao ngán vì đò tử thần thu phí cắt cổ

Ông Trần Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa
 
Ông Hương còn cho biết thêm: “Đây là quy định riêng của xã. Cái gì cũng thế mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, phải có những quy định riêng như thế thì xã hội mới phát triển được”.
 
Theo điều tra riêng PV Dân trí, tuy các giáo viên, cán bộ y tế xã phải nộp với mức phí tháng cao như thế nhưng nếu hôm nào về muộn có thể bị chủ đò thu thêm giá cao: 10.000 đồng/lượt.

Hình như ở bến đò Nam Phong đang tồn tại nhiều điều "kỳ lạ"!?

Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm