Rùng mình cảnh thuyền 12 người “nhồi” gần... 100 khách

(Dân trí) - Sáng sáng hay giờ tan trường, đứng ở bến đò Nam Phong, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), chúng tôi thật sự rợn người khi tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm học sinh, giáo viên và người dân chen nhau lên con thuyền nhỏ để qua sông Gianh.

Mỗi chuyến “nhét” gần... 100 khách

Bến đò Nam Phong ở xã Phong Hóa phục vụ nhu cầu đi lại cho 3 thôn Mã Thượng, Cao Trạch và Sảo Phong với gần 700 hộ dân, khoảng 3 ngàn nhân khẩu. Để ra khỏi địa bàn một cách nhanh nhất, ngày ngày, hàng ngàn người dân nơi đây phải chấp nhận qua sông Gianh bằng đò ở bến Nam Phong. Bởi nếu theo đường bộ, họ phải đi vòng sang xã Đức Hóa, dài hơn 10km.

Tuy dân số đông, nhu cầu đi lại lớn nhưng bến đò này chỉ có hai con đò (một to, một nhỏ). Theo đó, mức phí học sinh phải đóng là 30 ngàn đồng/năm/học sinh. Đối với người dân mỗi lượt 1.000 đồng/người, 2.000 đồng/người/xe đạp và 3.000 đồng/người/xe máy.

Rùng mình cảnh thuyền 12 người “nhồi” gần... 100 khách
Bảng quy định ghi rõ: chở 12 người

Theo quy định thuyền chỉ cho phép chở 12 người/lượt. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, vào thời điểm sáng sớm hay giờ tan tầm, chủ đò sẵn sàng “nhét”… gần 100 người trong một lần qua sông. “Không cho con đi học thì không được nhưng để con ngồi trên chiếc thuyền cũ kỹ, thiếu áo phao chật kín như rứa vợ chồng tôi ở nhà cũng lo nóng ruột nóng gan”, chị Bình một phụ huynh chia sẻ nỗi bất an.

Rùng mình cảnh thuyền 12 người “nhồi” gần... 100 khách
Giờ cao điểm có thể có 100 khách mỗi lần qua sông

Khoảng 11 giờ trưa ngày 19/3, PV Dân trí cùng hàng trăm học sinh ở 3 thôn trên đứng chật cứng bến đò Nam Phong. Chiếc đò cập bến, các em ồ ạt xô đẩy, chen nhau lên, người điều khiển đò là một phụ nữ không hề tỏ ý căn ngăn. Đến khi trên đò không còn nổi một chỗ đặt chân, người điều khiển mới nổ máy, chèo đò xuất bến. Chúng tôi nhẩm đếm nhanh được khoảng gần 100 người, trong đó số người mặc áo phao rất ít.

Khi hỏi người đi đò về việc các cơ quan chức năng có thường xuyên kiểm tra và xử phạt về tình trạng quá tải này, nhóm khách liếc nhìn chủ đò rồi cho biết nhiều lần cũng thấy công an về kiểm tra và xử phạt nhưng được ít ngày là đâu lại vào đấy.

Trước thực trạng đò giang nguy hiểm ở bến đò Nam Phong, nhiều người dân đã đề xuất tự bỏ tiền túi làm một chiếc cầu phao di động nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân nhưng chính quyền địa phương không đồng ý. 

Sáng ngày 25/1/2009 (30 Tết Kỷ Sửu), chiếc thuyền gỗ QB 1370-H do Nguyễn Xuân Quý làm chủ thuyền, chở 100 khách từ xã Quảng Hải qua xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bị chìm khi gần cập bến làm 42 người chết, 11 người bị thương, 47 người may mắn được cứu sống.

“Sắp làm cầu nên không tăng thuyền nữa”

Trao đổi PV Dân trí về thực trạng này, ông Trần Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa, thừa nhận hiện chỉ có 2 đò là quá ít so với nhu cầu đi lại của người dân nơi đây, nhưng ông cũng nói thêm: “Vì sắp làm cầu xuyên Á nối từ Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nên không tăng cường thêm đò nữa”.

Ông còn lý giải rằng: “Bến đò gắn liền với cuộc sống của người lái thuyền nên chỉ có một chủ thuyền chứ thêm nhiều người họ sẽ khó làm ăn, khi đó giá cả sẽ tăng, khó quản lí và còn phức tạp nhiều chuyện nữa”.

Rùng mình cảnh thuyền 12 người “nhồi” gần... 100 khách

Ông Trần Thanh Hương trao đổi thực trạng cùng PV Dân trí

Phóng viên hỏi bao giờ có cầu xuyên Á? Ông Hương cho biết hiện đã tiến hành đền bù, khảo sát và thiết kế, cụ thể khi nào triển khai làm thì... chưa biết! Thật đáng buồn khi nguy hiểm hiển hiện đang rình rập mỗi ngày mà cái sự “sắp có cầu” vẫn xa vời và mơ hồ đến vậy!

Đặng Tài