1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

“Dân mới đổ xe cát, thanh tra xây dựng đã xuất hiện”

(Dân trí) - “Những công trình trái phép ngang nhiên mọc lên mà không thấy bị xử lý, trong khi có những nhà dân thay đổi rất nhỏ, mới đổ xe cát đã thấy thanh tra xuất hiện”, đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền bức xúc.

Sáng 12/7, kỳ họp HĐND TPHCM tiếp tục phần chất vấn của các đại biểu với lãnh đạo Sở Xây dựng. Đa phần các ý kiến đều phản ánh tình trạng công trình không phép, sai phép “mọc như nấm sau mưa”, thanh tra xây dựng nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, bất động sản tồn kho…

Có bao che trong quản lý xây dựng?

Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, nói đã giải quyết tồn kho bất động sản được 14,10% là lạc quan quá sớm. Con số báo cáo của UBND TPHCM chưa sát thực. Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung bức xúc vì tỉ lệ xây nhà không phép, trái phép trong thời gian qua xảy ra nhiều. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý của Sở Xây dựng, chính quyền địa phương còn quá lỏng lẻo. “Phải chăng có sự bao che để công trình vi phạm mọc lên?. Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu hay phải chăng trước đây không kiểm điểm nghiêm túc đối với lực lượng thanh tra xây dựng địa phương nên giờ đây khi quy tập về thành phố nhưng vẫn quen với sự dễ dãi khiến công trình không phép vẫn ào ạt?”, đại biểu Nhung chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy lo ngại việc ra đời tổ công tác đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng liệu có kéo giảm hay chấm dứt được công trình sai phạm. Có những công trình sai phạm phải tháo dỡ như căn nhà số 411 Huỳnh Tấn Phát, Tân Thuận Đông, quận 7, chi phí tháo gỡ hơn 800 triệu đồng nên không xử lý được còn để đó thì gây mất an toàn.

Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa thì thắc mắc không hiểu vì sao nhà trái phép nhưng vẫn được cấp điện nước, số nhà. Còn đại biểu Huỳnh Công Hùng lại băn khoăn: “Các dự án nhà ở xã hội chất lượng, hạ tầng có hay không mà sao người ta đến thì không ở mà ở thì không bền?”.

Với cái nhìn của một nhà tu hành, đại biểu Thích Thiện Tánh đề nghị Sở Xây dựng nên xem xét lại đối với các hộ dân quá nghèo, nhà sắp sập mà xin phép thủ tục nhiêu khê nên cất nhà trái phép theo kiểu làm đại, cất liều. Khi phát hiện, cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh chứ đừng cho ngưng công trình. “Làm như vậy tội nghiệp lắm, mưa thì chỗ nào người nghèo ở”, đại biểu Thích Thiện Tánh nói. Đại biểu Tánh cũng đề nghị thanh tra nếu phát hiện các chùa, cơ sở tôn giáo xây dựng sai quy tắc thì nên có ý kiến với Thành hội Phật giáo và tiến hành ngưng ngay. Bởi nếu một tôn giáo lớn mà làm sai thì không thể chấp nhận được.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn tại nghị trường
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn tại nghị trường

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền thì bức xúc khi các công trình xây dựng sai phạm xảy ra nhiều mà thanh tra vẫn không phát hiện hoặc làm ngơ. Trong khi đó, có những người dân sửa chữa nhỏ, mới đổ xe cát đã có lực lượng chức năng đến lập biên bản. Từ đây, đại biểu Hiền cho rằng, thiếu sự minh bạch trong quá trình kiểm tra, xử lý công trình xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP chất vấn thẳng: “Trách nhiệm chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước ở đây như thế nào, có bao che không? Địa bàn phụ trách có phân công hẳn hoi nhưng sao có tình trạng cái nhà to đùng xây không phép mà không biết, trong khi đó có nhà đổ xe cát thì đã cán bộ xuất hiện kiểm tra”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, có 2.626 công trình không phép, trái phép. Vi phạm xây dựng không phép chiếm đa số 80%, số còn lại xây dựng trái phép. Ông Tuấn nói: “Khi phát hiện, phải lập biên bản, đình chỉ thi công, lập thủ tục, ban hành quyết định cưỡng chế, chốt chặn không cho vận chuyển vật tư, nhân công”. Khi nói đến đây, ông Tuấn bị bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cắt ngang: “Quy trình đó thì các đại biểu ở đây và người dân ai cũng biết nhưng vì sao sai phạm lớn không phạt mà sai phạm nhỏ phạt”.

Ông Tuấn cho rằng quan điểm của Sở là xử lý nghiêm các công trình sai phạm. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, việc buông lỏng quản lý xây dựng trong thời gian qua còn do chính quyền địa phương thiếu sự sâu sát.  

Trách nhiệm trong quản lý, có trách nhiệm của ủy ban các cấp, sở xây dựng, người đứng đầu ngành thanh tra xây dựng… Vừa rồi, ở Bình Chánh có hơn 600 nhà xây sai phép bị phát hiện. Ngay sau đó, ban thường vụ huyện đã kiểm điểm lãnh đạo các xã để xảy ra xây trái phép, không phép. Kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tập thể kể cả luân chuyển cán bộ. Cơ quan điều tra công an huyện Bình Chánh cũng đã vào cuộc khởi tố vụ án…

“Quan điểm của Sở là không bao che, sai phạm tới đâu, xử lý tới đó. Bản thân tôi cũng thường xuyên nhận được nhiều tin nhắn, tin tố giác của quần chúng và đều có chỉ đạo kiểm tra. Khi kiểm tra, tin nhắn đó gần như là đúng”, ông Tuấn nói.

Ưu tiên giải phóng tồn kho bất động sản

Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Văn Sen về tồn kho bất động sản, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận hàng tồn kho đang xảy ra đối với sản phẩm là căn hộ đã, đang hoàn thành và căn hộ trong tương lai.

Trừ những sản phẩm còn vướng mắc, mang tính cục bộ đặc thù thì hiện lượng tiêu thụ có những dấu hiệu tích cực. Trong khó khăn, có một số dự án vẫn triển khai được với cả ngàn công nhân, kỹ sư. Có sản phẩm căn hộ 35 triệu/m2 mà vẫn tiêu thụ đến 90%.  
Giám đốc Sở Xây dựng đăng đàn trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Xây dựng đăng đàn trả lời chất vấn

Sở Xây dựng phấn đấu từ nay đến cuối năm 2013 sẽ giảm tồn kho sản phẩm là căn hộ lên đến 40%. Trong các dự án đang bị ngưng thi công, thành phố vẫn ưu tiên tháo gỡ cho những dự án đã lên móng, đã giải phóng mặt bằng và đầu tư khởi công.

Về gói tín dụng 30.000 tỷ, có 1/3 dùng để giải ngân cho doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản. Theo số liệu mới nhất, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã có 18 trường hợp đang làm thủ tục giải ngân vay vốn theo chương trình 30.000 tỷ đồng. Cũng đã có 3 doanh nghiệp đang làm thủ tục vay vốn gói tín dụng. TPHCM cũng đang triển khai chương trình 3.000 căn nhà ở xã hội của thành phố. Hy vọng, với dự án này, số lượng khách hàng được tiếp cận vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ được nâng lên. Trong chương trình nhà ở xã hội 3.000 căn này, có phân chỉ tiêu ưu tiên cho các thầy cô giáo chưa có nhà ở.

“TPHCM ưu tiên giải quyết tồn kho căn hộ, tồn kho dự án đã thi công, chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang xã hội. Không đẩy từ tồn kho thương mại sang nhà ở xã hội”, ông Tuấn nói.

Công Quang