1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Dân mất tích trong lũ dữ: Tuyệt vọng ngóng người thân

(Dân trí) - “Người ta đang tìm mẹ cháu nhưng vẫn chưa thấy, anh trai cháu cũng đang ở ngoài đó tìm mẹ. Cháu mong mẹ cháu sẽ trở về đoàn tụ với gia đình...”, cháu Hạnh có mẹ đang mất tích sau trận lũ, buồn bã chia sẻ.

Ông Đàm Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cư Kbang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, khu vực 12 người dân của xã bị mắc kẹt trong lũ dữ được xác định là ở tiểu khu 172 - nơi giáp ranh giữa địa bàn xã Ea Rôk và xã Cư Kbang. Sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã tổ chức tìm kiếm thì vớt được xác của 2/12 người gặp nạn. Đó là là ông Đào Văn Lý (SN 1964) và bà Hầu Thị Mỵ (SN 1960). Trong đó bà Mỵ được tìm thấy trong tình trạng bị mắc kẹt trên cây, ông Lý được tìm thấy khi nước đã rút, cách lán rẫy vài chục mét.

Ký ức kinh hoàng giữa lằn ranh sống - chết

Trong số 12 thường dân của xã Cư Kbang bị lũ dữ bao vây, gia đình ông Đào Văn Lý có đến 6 người, gồm 2 vợ chồng ông Lý và 4 người con. Trong cơn lũ kinh hoàng, ông Lý đã bỏ mạng, 2 người con của ông Lý vẫn chưa có tung tích, may mắn vợ ông là bà Lý Thị Pành cùng 2 người con khác được cơ quan chức năng tìm thấy sau 2 ngày 1 đêm chống chọi với lũ dữ.

Sáng 20/9, bà Pành cùng đứa con hơn 15 tháng tuổi vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Tiếp xúc với PV Dân trí, bà Pành vẫn chưa thôi hoảng loạn cho biết, khu vực gia đình bà cùng 6 người dân khác của xã Cư Kbang gặp nạn là ở một khu đất được bao bọc bởi dòng suối, khu đất này vốn được ví như một “ốc đảo”. Cũng như các hộ gia đình khác, gia đình bà Pành đến đây để canh tác các loại cây trồng ngắn ngày. Trong khoảng 2h đồng hồ từ 7h đến 9h của ngày 17/9, khu rẫy này bị nhấn chìm trong lũ dữ, mọi người thét lên kêu cứu trong tuyệt vọng rồi bị nước lũ bao vây, chia cắt.

Bà Lý Thị Pành.
Bà Lý Thị Pành.

“Nước từ trên đổ xuống, cao hơn cả đầu người, ai cũng cố bám vào gốc cây nhưng chỉ được hơn 1 giờ thì bị nước lũ cuốn đi. Nước lũ đổ về nhanh quá đến nỗi tôi chưa kịp ngoái lại thì chồng tôi đã bị nước lũ cuốn trôi rồi. Nước lũ quá lớn, tôi địu con nhỏ bám vào ngọn tre, ngọn tre cứ trôi theo dòng nước, sau đó mấy mẹ con tôi vớ được một khúc gỗ lớn trôi về, cũng nhờ khúc gỗ này mà mẹ con tôi mới sống sót”, bà Pành vẫn chưa hết hoảng sợ kể lại.

Theo bà Pành, khúc gỗ mà mấy mẹ con bà bám vào rất lớn, có thể lớn hơn cả cột nhà, nhờ thế mà bà cùng 2 đứa con mới không bị dòng nước nhấn chìm. “Bám trên khúc gỗ này, ngoài 3 mẹ con tôi, còn có ông Đào Văn Thanh ở thôn 14. Những người khác bị cuốn vào nước lũ mà đau xót quá…”, bà Pành nghẹn ngào.

Sau 2 đêm 3 ngày lênh đênh trong dòng lũ, mấy mẹ con bà Pành không thức ăn, nước uống, áo quần ướt sũng, dòng nước lũ lạnh như căm đã khiến bà cùng 2 người con gần như kiệt sức. Khi được cơ quan chưc năng tìm thấy ngày 19/9, bà Pành quá đau xót khi hay tin chồng mình đã tử nạn, còn 2 người con khác vẫn chưa có tung tích.

Trưa ngày 20/9, PV Dân trí đã đến thôn 14, xã Cư Kbang để tìm gặp ông Đào Văn Thanh (SN 1969) - một trong số 4 người may mắn sống sót khi cùng với 3 mẹ con bà Pành bám vào khúc gỗ. Ông Thanh kinh hãi kể: “Lúc nước lũ sắp lên đến bờ, chúng tôi không nghỉ là nước sẽ ngập đảo. Đến khoảng 9h ngày thứ Ba (tức ngày 17/9), nước lũ đã lên gần đến lán, anh em chúng tôi định thoát chạy nhưng nước suối cao đã bao vây rồi, chúng tôi không chạy thoát kịp. Khoảng sau 30 phút, nước dâng cao ngập lán, mọi người chỉ biết kêu khóc mà không biết làm sao. Sau đó có một khúc gỗ trôi theo nước lũ vào chỗ tôi, thấy vậy tôi bám vào khúc gỗ, trên khúc gỗ này còn có 3 mẹ con bà Pành, những người khác thì bị nước lũ chia cắt”.

Cháu Đào Văn Hạnh mấy ngày nay nghỉ học để ngóng tin mẹ.
Cháu Đào Văn Hạnh mấy ngày nay nghỉ học để ngóng tin mẹ.

Ngóng chờ người thân trong tuyệt vọng

Theo UBND xã Cư Kbang, tính đến sáng ngày 20/9, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ mỗi người chết 5 triệu đồng; Quân khu V hỗ trợ mỗi người chết 3 triệu đồng, hỗ trợ người còn sống 1 triệu đồng; UBND huyện Ea Súp hỗ trợ mỗi người chết 4,5 triệu đồng. UBND tỉnh Đắk Lắk đang có phương án hỗ trợ tiếp theo cho các nạn nhân trên địa bàn. 

Ông Đào Văn Thanh may mắn thoát chết nhưng người vợ của ông là bà Lý Thị Dí (SN 1970) đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Cậu con trai thứ 4 là Đào Văn Hạnh khuôn mặt phờ phạc, đã mấy ngày nay Hạnh đã nghỉ học để ngóng tin mẹ. Tiếp xúc với PV Dân trí, Hạnh bần thần cho biết, gia đình có 6 anh em, chị lớn đã lấy chồng, hiện còn lại 5 anh em đang tuổi ăn học ở với bố mẹ. Mấy ngày qua, người anh trai lớn đã ra khu vực rẫy để tìm mẹ nhưng chưa có tin tức. Khuôn mặt rũ rượi, Hạnh nói trong âu lo: “Người ta đang tìm mẹ cháu nhưng vẫn chưa thấy, anh trai của cháu cũng đang ở ngoài đó để tìm mẹ. Cháu mong mẹ cháu sẽ trở về đoàn tụ với gia đình…”.

Trưa ngày 20/9, linh cữu bà Hầu Thị Mỵ (SN 1960), trú thôn 14, xã Cư Kbang cũng được gia đình đưa đi chôn cất. Chồng của bà Mỵ cũng đang mất tích.

Cách nhà bà Mỵ không xa, ở nhà bên vẫn còn chị Dương Thị Hoa (SN 1979) và con là cháu Đào Thị Nhìn (SN 1998) cũng chưa được chính quyền địa phương tìm thấy. PV Dân trí thấy xót xa thay, khi người dân ở đây cho biết chị Hoa là con dâu của bà Hầu Thị Mỵ.

“Gia đình bác Mỵ quanh năm làm rẫy, nhưng khổ nỗi làm cật lực quanh năm mà 6 tháng no, còn 6 tháng đói. Bà Mỵ mất rồi nhưng hiện chồng bà Mỵ là bác Đào Văn Dinh vẫn chưa được tìm thấy”, anh Đào Văn Tài, một người cháu buồn thiu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đàm Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho biết, tính đến sáng ngày 20/9, tại địa bàn xã Cư Kbang vẫn còn 6 người dân mắc kẹt trong rẫy sau cơn lũ dữ. Hiện UBND xã Cư Kbang đã huy động toàn bộ lực lượng với hơn 100 người tích cực phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea Súp, cùng các đồn biên phòng triển khai lực lượng tổ chức tìm kiếm. Ông Hà cho biết thêm, xã Cư Kbang là xã vùng 3 với hơn 1.200 hộ dân, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 95%, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông… di cư từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp.

Viết Hảo